Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Quốc Hùng và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, qua 5 năm tổ chức thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số khó khăn, bất cập, chưa phù hợp với các Luật liên quan và tình hình thực tế.
Do đó, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong tình hình mới.
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 74 điều, so với Luật hiện hành đã sửa đổi 54 điều, bổ sung 1 điều, bỏ 3 điều.
Các đại biểu tại hội thảo nhất trí cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn là bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí, phòng, chống khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Việt Nam là thành viên.
Các đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung một số nội dung nghiêm cấm tại Điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ; giải thích rõ hơn một số thuật ngữ để bảo đảm tính rõ ràng của văn bản luật, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện. Đồng thời, rà soát kỹ lưỡng để đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Hình sự; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp...
Kết luận hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Quốc Hùng ghi nhận các ý kiến đóng góp rất tâm huyết, trách nhiệm. Nhấn mạnh đây là dự luật mang tính chuyên ngành, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ các nội dung được góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật sắp tới.