Góp ý dự thảo Báo cáo công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV

- Thứ Năm, 14/01/2021, 14:16 - Chia sẻ
Ngày 14.1, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Ban Chỉ đạo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đã tổ chức Hội nghị góp ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV.

Theo dự thảo các Báo cáo công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật. Qua đó đã ban hành một khối lượng lớn luật, pháp lệnh, nghị quyết. Tính đến hết tháng 12.2020, Quốc hội đã ban hành 72 luật, 18 nghị quyết quy phạm pháp luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 2 pháp lệnh và 23 nghị quyết quy phạm pháp luật. Thông qua việc ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng về kinh tế, chính trị, an sinh xã hội được triển khai, có tác động tích cực, khẳng định đóng góp quan trọng của hoạt động lập pháp của Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế của Nhà nước và sự vận hành Nhà nước kiến tạo, phát triển. Đồng thời, thực hiện quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh được đổi mới toàn diện theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại hội nghị

Đối với công tác giám sát, theo các dự thảo báo cáo, trong thời gian qua, việc triển khai các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri, người dân cả nước ghi nhận, với nội dung bám sát nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống và bao quát các lĩnh vực. Trong đó, giám sát chuyên đề của Quốc hội có đổi mới, thay vì ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập và triển khai thực hiện, Quốc hội đã trực tiếp thành lập đoàn giám sát, phân công lãnh đạo Quốc hội làm trưởng đoàn, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm phó trưởng đoàn giám sát. Hoạt động tái giám sát được tăng cường thực hiện với nội dung xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ, cũng như tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ. Không chỉ đổi mới trong tiến hành công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban cũng có nhiều đổi mới trong thực hiện công tác này, đặc biệt việc tổ chức các phiên giải trình đã được đẩy mạnh.

Theo các dự thảo báo cáo, trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội cũng đã quyết định các vấn đề quan trọng một cách công khai, minh bạch, khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức.

Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang trình bày dự thảo Báo cáo

Tại hội nghị, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương đều cho rằng, hai dự thảo Báo cáo công tác được chuẩn bị công phu, đưa ra đánh giá toàn diện các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, cần tiếp tục gia cố để làm rõ những điểm mới trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến pháp và pháp luật quy định đối với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, cần làm rõ những yếu tố giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan có thể ban hành số lượng lớn luật, pháp lệnh, nghị quyết trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động soạn thảo, thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. 

Về công tác giám sát, nhiều đại biểu cho rằng, không nên hài lòng ngay với việc tăng cường tiến hành tái giám sát trên nghị trường; cần bổ sung đánh giá về thực hiện hoạt động này ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; xem xét ban hành quy định rõ về việc tiếp thu kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội. 

ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho ý kiến với dự thảo báo cáo

Các đại biểu cũng đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong quá trình chuẩn bị, tổ chức và tiến hành các kỳ họp Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XIV. Theo đó, quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội tại kỳ họp tiếp tục được cải tiến, đổi mới theo hướng đi vào thực chất. Để nâng cao chất lượng thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến đề nghị, cần xem xét sửa đổi nội quy kỳ họp, trong đó quy định rõ nguyên tắc tổ chức thảo luận, giúp bảo đảm sự hài hòa về thời gian phát biểu giữa các đại biểu Quốc hội, định hướng cho các đại biểu tập trung đưa ra các ý kiến mới, có tính phản biện cao, hạn chế tối đa phát biểu trùng lắp.

Trung Thành