Gộp thủ tục hành chính

- Chủ Nhật, 19/09/2021, 06:42 - Chia sẻ
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng liên quan về xây dựng Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước (Phương án). Trong đó, có hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Những quy định không hợp lý chính là rào cản đối với hoạt động kinh doanh của trường nghề

Những quy định không hợp lý chính là rào cản đối với hoạt động kinh doanh của trường nghề. Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, trao quyền tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển từ cơ chế "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" là yêu cầu thiết thực. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia pháp lý, các đề xuất tại Dự thảo Phương án, về cơ bản sẽ góp phần cắt giảm chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp. Song, để bảo đảm tinh thần cải cách, cần phải xem xét thêm một số nội dung để đưa vào Phương án cải cách.

Đơn cử, về cơ chế thành lập và đăng ký hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Nghị định 140/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định số 143/2016/NĐ-CP quy định thủ tục để thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm thủ tục cho phép thành lập và thủ tục đăng ký hoạt động sau khi đã được phép thành lập. Theo đó, tại thời điểm thực hiện thủ tục cho phép thành lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về đăng ký hoạt động, trong Đề án phải nêu các dự kiến về việc đáp ứng các điều kiện này, đồng thời phải chứng minh điều kiện về vốn, địa điểm xây dựng trường.

Liên quan đến thẩm quyền, Điều 7, Nghị định số 143/2016/NĐ-CP quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập, tư thục trực thuộc tỉnh; Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập trung tâm giáo dục dạy nghề trực thuộc cơ quan, tổ chức mình; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định thành lập trường cao đẳng công lập, tư thục.

Có thể thấy, Nhà nước quản lý lĩnh vực này theo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và xác định các điều kiện để cơ sở giáo dục có thể vận hành bảo đảm chất lượng đào tạo nghề. Tuy nhiên, thực tế việc thiết kế cơ chế quản lý hoạt động cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hai thủ tục như trên đang tạo ra gánh nặng về thủ tục, chi phí tuân thủ cho các nhà đầu tư. Để giảm gánh nặng về thủ tục hành chính cần xem xét theo hướng gộp thủ tục cho phép thành lập và đăng ký hoạt động thành một thủ tục đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, liên quan đến Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Điều 15, Nghị định số 143/2016/NĐ-CP quy định trong hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải có các giấy tờ chứng minh đáp ứng các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục. Song, giấy tờ chứng minh bao gồm những giấy tờ như thế nào thì hiện chưa có quy định cụ thể. Việc quy định chưa rõ ràng về tài liệu trong hồ sơ xin cấp phép vô hình trung dẫn đến tình trạng các cơ quan chức năng sẽ có những cách hiểu và áp dụng khác nhau gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện.

Nguyễn Ngân