Góp sức, dồn lực hỗ trợ miền Trung

- Thứ Ba, 20/10/2020, 06:27 - Chia sẻ
Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và chuẩn bị ứng phó với khả năng mưa lớn tiếp tục kéo dài ở các tỉnh miền Trung đang diễn ra khẩn trương. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ chiều 19.10, Thủ tướng quyết định hỗ trợ mỗi tỉnh miền Trung gặp lũ 100 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo. Cùng với đó, nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên cả nước tiếp tục đóng góp, ủng hộ đồng bào miền Trung.

Chính phủ hỗ trợ mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ chiều 19.10 về tình hình và xử lý hỗ trợ khắc phục mưa lũ tại miền Trung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, mưa lũ đã khiến 127 người chết và mất tích; đồng thời, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông, đường giao thông nông thôn, công trình dân sinh và nhà nước khác và hơn 900ha lúa mùa. Đến nay, đã khắc phục được 88/122 điểm xã ngập sâu, cơ bản người dân không thiếu đói, không thiếu nước uống.

Hỗ trợ lương thực cho người dân xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Nguồn: ITN

Đến gần 15 giờ ngày 19.10, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy tất cả 22 thi thể cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 trong vụ sạt lở đất tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Thi thể các cán bộ, chiến sĩ được xe cứu thương đưa về TP Đông Hà (Quảng Trị).

Tại Thừa Thiên Huế, trong ngày 19.10, tận dụng điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, Công an tỉnh đã huy động lực lượng vận chuyển 200 thùng mì tôm, 500kg gạo và nhiều nhu yếu phẩm, thuốc men, thiết bị máy móc cần thiết, nhiên liệu, xe xúc vượt qua lòng hồ thủy điện Hương Điền để tiếp cận Thủy điện Rào Trăng 3. Bộ Công an cũng tăng cường cho Công an tỉnh 2 cano có mã lực lớn. Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư Lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm 15 nạn nhân còn mất tích. Lực lượng quân đội đã huy động thêm 500 người tham gia tìm kiếm.

Tuy vậy, hiện nay mưa lớn còn tiếp tục tại Hà Tĩnh, Nghệ An, một phần Quảng Bình, gây nhiều nguy cơ mất an toàn với các hồ chứa. "Ngày 24 - 25.10, áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, nếu không rà soát công tác chuẩn bị, khắc phục xử lý sớm hậu quả mưa lũ thì nguy cơ xảy ra thảm họa", Bộ trưởng cảnh báo cần bảo đảm an toàn trong vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi.

Cũng tại cuộc họp, theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý xuất cho 5 tỉnh (Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh) mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai; đồng ý hỗ trợ lương khô, chuẩn bị cơ số thuốc dự phòng, ngành y tế cử cán bộ hướng dẫn người dân bảo đảm vệ sinh an toàn sau lũ. Thủ tướng cũng đồng ý xuất cấp phương tiện, trang bị, thiết bị cứu hộ cứu nạn, đặc biệt là phương tiện nhỏ cấp thiết để cứu dân mắc kẹt ở vùng chia cắt, sử dụng an toàn, hiệu quả cho lâu dài.

Đặc biệt Thủ tướng nhấn mạnh, các lực lượng cần tập trung vận hành công trình hồ đập an toàn, không để vỡ hồ gây thiệt hại, ảnh hưởng tính mạng cho người dân vùng hạ lưu. Lực lượng quân đội, lực lượng khác sẵn sàng phương tiện, thiết bị ứng cứu kịp thời người dân ra đến khu vực an toàn.

Kịp thời cứu trợ người dân vùng lũ

Tại các địa phương, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và chuẩn bị ứng phó với mưa lớn trong những ngày tới tiếp tục diễn ra khẩn trương.

Do mưa lũ, mực nước thượng lưu hồ Kẻ Gỗ, Hà Tĩnh dâng cao, từ 9 giờ ngày 19.10, hồ đã phải xả lũ ở mức tối đa (khoảng 1.000m3/s). Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu khi có tình huống đặc biệt, sẵn sàng phương án xả tràn hồ Kẻ Gỗ và triển khai cấp bách bảo đảm an toàn cho công trình và khu vực hạ du. Cùng ngày, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Lệnh sơ tán dân. Theo đó, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức di dời 45 nghìn người dân vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ đến nơi an toàn.

Bộ đội Quảng Bình dùng phao và dây thừng vượt lũ tiếp tế lương thực cho đồng bào.
Ảnh: Ngọc Hòa

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã quyết định hoãn tổ chức Đại hội để tập trung ứng phó mưa lũ. Trong ngày hôm qua, tỉnh tiếp tục tập trung lực lượng sơ tán người dân mắc kẹt trong mưa lũ và tiếp tục triển khai các hoạt động cứu trợ. Trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ tại huyện Quảng Ninh và Bố Trạch, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng yêu cầu các lực lượng đẩy nhanh tiến độ cứu hộ, huy động tối đa lực lượng và phương tiện, tranh thủ thời gian để cứu người dân sớm nhất có thể, trước khi mưa lũ tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Các đoàn cứu hộ đã mang theo áo phao, lương khô, nước uống để hỗ trợ khẩn cấp cho bà con.

Tương tự, Quảng Trị cũng tăng cường lực lượng ứng phó, tìm kiếm người mất tích và khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, công tác ứng cứu gặp khó khăn do nhiều tuyến đường, khu vực bị cô lập do sạt lở và ngập lũ. Ngoài ra, hàng loạt các công trình thủy lợi, giao thông, đê điều, sạt lở bờ sông, bờ biển, giao thông, xây dựng, trường học, y tế... đang bị ngập sâu trong nước chưa thể kiểm tra, thống kê thiệt hại. Tỉnh đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra tình hình phòng, chống mưa lũ tại các địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh có công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, huy động lực lượng tại chỗ di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm và bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân phải di dời, không để người dân bị đói rét...

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế điều 500 chiến sĩ về các địa bàn giúp khắc phục hậu quả mưa bão, vệ sinh môi trường. UBND tỉnh đã xuất cấp và phân phối 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 38.700 thùng mì tôm từ dự trữ lương thực phòng chống thiên tai cấp tỉnh để cứu trợ khẩn cấp cho hộ di dời phòng tránh mưa lũ.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp nhận từ các nguồn hỗ trợ hơn 25 tỷ đồng và đã có hàng chục nghìn suất quà về với người dân vùng lũ. Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tiếp nhận được 3.650 suất quà cứu trợ với tổng trị giá 1,85 tỷ đồng và đã cấp phát gần 2.000 phần quà đến tận tay người dân với tổng giá trị 763 triệu đồng.

Tại cuộc họp sáng 19.10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, mưa lũ còn diễn biến phức tạp. Các cấp, ngành tiếp tục triển khai các giải pháp, nhiệm vụ để hạn chế thiệt hại, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Các địa phương kịp thời cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân; tuyệt đối không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống, không có chỗ ở.

Cũng trong ngày hôm qua, nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên cả nước tiếp tục đóng góp, ủng hộ đồng bào miền Trung. Cụ thể, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Ban Dân vận Trung ương, Trung ương Đoàn…; các tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi, Sóc Trăng…; các doanh nghiệp Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam… đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào khu vực Trung Bộ. Sau thông báo miễn phí vận chuyển hàng hóa cứu trợ đồng bào miền Trung, các hãng hàng không tiếp tục chung tay góp sức bằng cách miễn phí vé cho các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện và hành khách đi/đến từ tâm lũ.

Tiểu Phong