Công tác nghiên cứu, phát triển lý luận chính trị

Góp phần xác lập đường lối chính trị đúng đắn và sáng tạo

- Thứ Hai, 07/06/2021, 05:19 - Chia sẻ
Thực tiễn xác nhận, chỉ có xuất phát từ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tổ chức tốt thực tiễn, kịp thời và thường xuyên tổng kết kinh nghiệm thực tiễn cách mạng là con đường duy nhất đúng để phát triển và bảo vệ lý luận cách mạng và tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng không ngừng tiến lên. Đó chính là mục đích, con đường, môi trường, là bước đi, thước đo hiệu quả, là thách thức, vận hội phát triển và là "chân trời sáng tạo" của công tác lý luận hiện nay nhằm xây dựng và phát triển nền tảng tư tưởng chính trị dẫn dắt sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đi tới tương lai; đồng thời, xác nhận thái độ, bản lĩnh, năng lực và đạo lý của chúng ta đối với học thuyết Mácxít.

“Ta có thể đi con đường khác lên chủ nghĩa xã hội”

Thực chất của toàn bộ việc nghiên cứu lý luận chính trị và tổ chức thực tiễn của chúng ta là nhằm mục tiêu góp phần xác lập một đường lối chính trị độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo dẫn dắt, chỉ đạo thắng lợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ở nước ta hiện nay trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 

“Ta có thể đi con đường khác lên chủ nghĩa xã hội”, lời chỉ dẫn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào năm 1960, có giá trị đặc biệt về phương pháp luận ở lúc này. Cơ hội và nhất là thách thức trên con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam càng đòi hỏi chúng ta phải vừa kiên định vừa phát triển sáng tạo không ngừng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của nước ta và xu thế vận động của thời đại, từ đó hoạch định đường lối đúng đắn, tiếp tục đề ra những giải pháp hữu hiệu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn đã cho thấy, việc định hướng xã hội chủ nghĩa trong công tác nghiên cứu lý luận chính trị, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, không chỉ là quy luật vận động của mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn mà còn là nhu cầu phát triển nội tại của toàn bộ công tác lý luận chính trị của chúng ta nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. 

Theo ý nghĩa đó, phương hướng hoạt động của công tác nghiên cứu, phát triển lý luận Mácxít, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vừa mang ý nghĩa chiến lược vừa đáp ứng yêu cầu bức xúc của thực tiễn, bao gồm một số vấn đề cơ bản sau:

Về phương hướng chung, công tác nghiên cứu lý luận chính trị cần kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận cơ bản với nghiên cứu triển khai và nghiên cứu ứng dụng nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nghĩa là xuất phát từ nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp chặt chẽ với tổng kết thực tiễn đất nước và thâu thái tinh hoa những thành tựu lý luận (Mácxít và ngoài Mácxít) trên thế giới, góp phần hình thành lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thật sự cách mạng, khoa học và khả thi.

Xuất phát từ phương hướng chung đó tiếp tục giải quyết những vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, luận chứng một cách khoa học về thời đại ngày nay; về tính tất yếu, thực tiễn và triển vọng của chủ nghĩa xã hội nói chung và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nói riêng, trong bối cảnh thế giới đương đại.

Thứ hai, nghiên cứu và làm rõ tính phổ biến và tính đặc thù, cái chung, cái riêng và cái đặc thù của các con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; theo đó, hoạch định đúng đắn mô hình, con đường, phát hiện trúng và đúng động lực, phác thảo một cách lôgíc, phù hợp và khả thi những chặng đường, bước đi lên chủ nghĩa xã hội với các phương thức phát triển đa dạng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. 

Thứ ba, trên bình diện phương pháp luận, xây dựng một cách nhìn toàn diện, lịch sử; đồng thời, phân tích một cách độc lập, sáng tạo những cái cụ thể, trong những tình huống cụ thể của lịch sử về toàn bộ lý luận, thực tiễn và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội, xét trong mối liên hệ chằng chịt, phức tạp của thế giới ngày nay. Đặc biệt, làm rõ mối quan hệ thống nhất và đấu tranh, đối trọng và đối tác... giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trong thời đại ngày nay nhằm hoàn thiện phương pháp nghiên cứu lý luận chính trị Mácxít.

Thứ tư, kế thừa một cách có phê phán những thành tựu lý luận đã có của chúng ta cũng như các thành tựu lý luận chính trị trên thế giới.

Thứ năm, kiên quyết chống lại và tẩy trừ lối chủ quan duy ý chí, giáo điều, cơ hội, xét lại và phản động trong nghiên cứu lý luận và tổ chức hành động thực tiễn; mặt khác, chống mọi thủ đoạn phi dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị, bảo vệ sự đúng đắn và trong sáng của lý luận chính trị và bản thân công tác nghiên cứu lý luận chính trị. 

Có thể nói, chỉ có hành động theo phương hướng như vậy, nền lý luận chính trị mới thực sự có cơ hộimôi trường phát triển không ngừng, ngang tầm với sự nghiệp cách mạng hiện nay. Theo đó, công tác nghiên cứu lý luận chính trị của chúng ta mới thực sự xứng đáng với vị trí mà nó chốt giữ, đủ sức thực hiện nhiệm vụ nặng nề theo chức năng mà nó đảm nhiệm. 

Vì thế, trọng trách của chúng ta trong quá trình kiên định, bảo vệ, phát triển sáng tạo và hiện thực hóa chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là phải coi việc giữ vững, kiên định nguyên tắc tính đảng Mácxít là vấn đề có ý nghĩa thành bại, sinh tử, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa giáo điều và những khuynh hướng cơ hội, xét lại hiện đại. Nếu xa rời nguyên tắc đó, chúng ta sẽ mất phương hướng, từ đó hoặc sa vào các chứng bệnh “tả khuynh” hay “hữu khuynh” hoặc rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa giáo điều, thực dụng, cơ hội..., tất yếu dẫn đến sai lầm về chính trị, khoa học và tổ chức thực tiễn. 

Từ nguyên tắc đó, hơn bao giờ hết, công tác lý luận phải tự nhận về mình và làm thật tốt trọng trách kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn việc nghiên cứu cơ bản chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với nghiên cứu triển khai thực tiễn trong nước, tiếp thu chọn lọc với thái độ cầu thị kinh nghiệm tốt của các nước khác nhằm tiếp tục góp phần cơ bản và quan trọng trong quá trình hoạch định, quyết sách đường lối chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Phát triển lý luận sáng tạo, thông qua tổng kết thực tiễn

Kinh nghiệm cho thấy, muốn tổ chức thực tiễn cách mạng tốt phải nghiên cứu cơ bản tốt, nếu không rất khó tránh khỏi sự chắp vá. Nhưng, nếu coi chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là “nhất thành bất biến”, vô hình trung, đã biến lý luận thành một lược đồ cứng nhắc, thì cũng là sai lầm. Vì vậy, nhất thiết phải phát triển lý luận một cách sáng tạo, thông qua nghiên cứu, tổng kết tiến trình tổ chức thực tiễn. Phải bảo đảm sự thống nhất giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu triển khai - thống nhất giữa lý luận với thực tiễn nhằm phát triển lý luận, chủ động đáp ứng những nhu cầu phát triển của thực tiễn, thúc đẩy thực tiễn tiến lên. Lấy thực tiễn để đối chiếu, kiểm nghiệm, bổ sung và phát triển lý luận, chứ không phải lấy lý luận chứng minh cho thực tiễn. 

Đảng ta chỉ rõ: Tăng cường tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, thảo luận dân chủ, sớm kết luận những vấn đề mới và bức xúc từ thực tiễn đặt ra, bảo đảm cụ thể hóa, bổ sung, phát triển đường lối, chính sách của Đảng một cách đúng đắn và sáng tạo. Nói như C.Mác, ở khía cạnh này, một bước tiến trong thực tiễn có giá trị hơn cả một tá cương lĩnh. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trong việc tổng kết thực tiễn nhằm phát triển lý luận, trước hết cần bám sát thực tiễn đất nước trên tất cả mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và đời sống nhân dân lao động. Qua đó, phát hiện, tìm tòi và tổng kết những vấn đề có tính quy luật và quy luật, hoàn thiện không ngừng hệ thống lý luận làm cơ sở bổ sung cho việc hoạch định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. 

Tất nhiên, coi trọng thực tiễn không phải là sự đồng nghĩa với chủ nghĩa thực dụng, kinh nghiệm chủ nghĩa; và, đề cao lý luận cũng tuyệt nhiên không có nghĩa là “đẻ” ra một thứ lý luận tự thân, lý luận suông. Do đó, trong việc tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận cần kế thừa những thành quả lý luận đã có nhưng phải kế thừa trên cơ sở phủ định biện chứng nhằm bảo đảm sự nhất quán và phát triển liên tục của quá trình bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận thông qua sự kiểm chứng của thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn để không ngừng bổ sung, phát triển lý luận Mácxít. Mặt khác, trong việc phát triển lý luận, cần phân tích và tiếp thu một cách chọn lọc trên tinh thần phê phán các kinh nghiệm của các nước với thái độ thực sự cầu thị, không xa lánh, không kỳ thị, với phương pháp độc lập, không rập khuôn và không thực dụng. 

Nhìn khái lược, đó là con đường bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin  một cách khoa học, cách mạng và triệt để; là sự thể hiện sinh động lòng kiên định và hành động phát triển sáng tạo một cách chủ động và chân chính nhằm làm cho công tác lý luận thực sự góp phần xứng đáng trong việc hoạch định đường lối chính trị của Đảng ta một cách đúng đắn và phù hợp. 

TS Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản