Tài liệu Hỏi – Đáp kiến nghị của cử tri

Góp phần trả lời tại chỗ nhiều kiến nghị

- Thứ Hai, 23/11/2020, 08:10 - Chia sẻ
Như thường lệ, trong kế hoạch TXCT trước Kỳ họp thứ 11, Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum đã lưu ý các đại biểu trong Tổ nghiên cứu, tham khảo Tài liệu Hỏi -Đáp tại mục: Tài liệu TXCT trước Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Khóa XI trên Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để thông tin, trả lời cử tri và không tổng hợp những ý kiến này gửi về Thường trực HĐND tỉnh. Cách làm thiết thực này đã góp phần quan trọng để hầu hết kiến nghị của cử tri được trả lời, giải quyết tại chỗ, nhất là những kiến nghị để nắm thêm thông tin.

Bảo đảm quyền lợi của các hộ dân bị ảnh hưởng gián tiếp

Tài liệu Hỏi - Đáp tập trung vào những vấn đề đã được pháp luật quy định, nhưng cử tri nắm chưa đầy đủ hoặc chưa rõ nên kiến nghị. Đơn cử như hướng dẫn trả lời kiến nghị cử tri về việc bồi thường nhà cửa bị nứt do thi công đường Hồ Chí Minh. Theo đó, việc thi công đường Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh Kon Tum) gây nứt nhà của dân và đề nghị đền bù thuộc trách nhiệm dân sự giữa nhà đầu tư, nhà thầu thi công với người dân nên được giải quyết theo phát luật dân sự. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ bồi thường đối với công trình, nhà dân bị nứt nêu trên nằm ngoài phạm vi GPMB bị ảnh hưởng trong quá trình thi công công trình, hiện vẫn chưa có khung pháp lý để xác định thiệt hại, mức hỗ trợ nên chưa có cơ sở xem xét giải quyết. Nhằm bảo đảm quyền lợi của các hộ dân bị ảnh hưởng gián tiếp trong quá trình thi công đường Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Kon Tum đã giao Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm làm cơ sở đề nghị chủ đầu tư, các đơn vị thi công có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định. Trong trường hợp các nhà dân nằm ngoài phạm vi GPMB không được xem xét giải quyết việc hỗ trợ, bồi thường… UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, đề xuất nguồn kinh phí để hỗ trợ bảo đảm phù hợp các quy định hiện hành.

Hay hướng dẫn trả lời đề nghị của cử tri về việc cơ quan chức năng làm rõ thời hạn hiệu lực của quy hoạch; về xây dựng công trình, nhà ở trong vùng quy hoạch. Theo quy định (khoản 11, Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009), thời hạn hiệu lực của quy hoạch đô thị là khoảng thời gian được tính từ khi đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt đến khi có quyết định điều chỉnh hoặc huỷ bỏ quy hoạch. Trong trường hợp người dân có nhu cầu xây dựng công trình, nhà ở nếu vị trí đất không phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, người dân có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét cấp phép xây dựng công trình tạm, cam kết tự tháo dỡ và không được bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch. Trong trường hợp quy hoạch đã được phê duyệt nhưng không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương, cấp có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức rà soát lại quy hoạch đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; trong trường hợp tổ chức hoặc cá nhân có liên quan đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chủ động liên hệ trực tiếp UBND các huyện, thành phố để được xem xét giải quyết theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Tài liệu Hỏi - Đáp kiến nghị của cử tri là một nguồn thông tin quan trọng để đại biểu trả lời cử tri tại buổi tiếp xúc

Ảnh: Hoàng Thanh 

Tỷ lệ lợi ích được hưởng theo hướng có lợi cho người dân

Liên quan đến kiến nghị của nhiều cử tri về tỷ lệ ăn chia về trồng cao su liên kết, Tài liệu Hỏi - Đáp nêu rõ: Năm 2011, được sự thống nhất của UBND tỉnh Kon Tum và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Kon Tum đã cùng với liên ngành của tỉnh tính toán lại tỷ lệ lợi ích được hưởng của các bên tham gia liên kết theo hướng có lợi cho người dân... Theo phương án khoán liên kết điều chỉnh năm 2012, tỷ lệ phân chia lợi ích trong giai đoạn kinh doanh của hộ liên kết là: 49,03%, cao hơn nhiều so với hợp đồng liên kết trước năm 2011 (41,95%). Tỷ lệ này cũng đã được được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lấy ý kiến rộng rãi với người dân và được UBND tỉnh Kon Tum, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam thống nhất cho triển khai thực hiện. Mặt khác, cơ cấu các hạng mục công việc thực hiện có thay đổi theo hướng có lợi cho người dân. Cụ thể các hạng mục như: Nhân công kiểm kê, chi phí vật tư khai thác, bảo hộ lao động trước đây là phần việc thuộc trách nhiệm của người dân, nay được Công ty cấp và thực hiện theo định mức quy định.

Hay với câu hỏi của cử tri về việc các hộ dân có nhà ở đã cũ nằm trong hành lang an toàn đường bộ muốn được sửa chữa, nâng cấp có được không, Tài liệu Hỏi - Đáp dẫn Khoản 3, Điều 29, Thông tư số 50/TT-BGTVT ngày 23.9.2015 của Bộ Giao thông - Vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24.2.2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Qua đó khẳng định, các hộ dân có nhu cầu sửa chữa nhà, công trình phụ trong hành lang an toàn đường bộ thì liên hệ với UBND cấp xã và cơ quan quản lý tuyến đường để thống nhất phương án sửa chữa.

THÁI HÒA