Tạo sắc thái riêng với gốm nghệ thuật
Tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội, đang diễn ra triển lãm gốm Dáng Xuân 2025 - Bắc Nam hội tụ, trưng bày gần 200 tác phẩm của 50 nghệ sĩ Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật (Hội Mỹ thuật Việt Nam) và 11 nghệ sĩ đến từ Câu lạc bộ Gốm mỹ thuật Sài Gòn. Các tác phẩm thuộc nhiều thể loại, từ điêu khắc đến gốm nghệ thuật, tranh gốm đến gốm ứng dụng…, đa dạng về tạo hình, tạo chất, cách thể hiện của nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc.

Tham gia triển lãm với 2 tác phẩm Cõng chữ lên non và Mặt trời trên lưng mẹ trên chất liệu gốm Hương Canh truyền thống và sơn mài, nhà điêu khắc Triệu Tiến Công chia sẻ: “Gốm Hương Canh là chất liệu không tráng men, nhưng trong quá trình nung lại chảy men từ trong đất, tạo nét đặc trưng. Tôi dựa vào đặc điểm này để sáng tạo các tác phẩm chất liệu gốm, kết hợp sơn mài, thếp vàng, tạo màu sắc riêng”.
Chia sẻ về bình gốm có những bông mẫu đơn rực rỡ, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cho biết đã “sử dụng chất liệu men gốm như sử dụng màu vẽ, để mọi người thấy được sự rực rỡ của men gốm. Qua việc tận dụng lợi thế, khả năng phối các màu men trên cùng một tác phẩm, tôi muốn mọi người thấy rằng men gốm có thể đạt được hiệu quả mà đôi khi chúng ta không ngờ tới”.
Theo họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, lâu nay mọi người nghĩ rằng gốm xù xì, mộc mạc, nhưng bản thân vật liệu truyền thống của làng gốm Bát Tràng vẫn có thể cho ra sắc thái rực rỡ. Men gốm Bát Tràng có nhiều đặc sắc nhưng chưa được khai thác hết. “Trong sáng tạo đôi khi nghệ sĩ có thể dự kiến kết quả, nhưng với gốm luôn là sự bất ngờ. Với in đồ họa độc bản, thể loại trước đây tôi làm, có nhiều biến đổi sau khi thực hiện, thì sự biến đổi của gốm càng trở nên thách thức hơn. Bởi vậy, dù đã làm gốm nghệ thuật 5 năm, nhưng có nhiều điều khiến tôi phải bất ngờ. Sau mỗi lần làm việc tôi ghi chép và tích lũy kinh nghiệm, rút ra bài học giúp cho mình kiểm soát một chất liệu rất khó như gốm”.
Sự mộc mạc, đặc biệt của gốm cũng là điều khiến nghệ sĩ Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gốm mỹ thuật Sài Gòn, gắn bó với gốm trong sáng tạo nghệ thuật gần 20 năm qua. Anh cho biết, các thành viên Câu lạc bộ tuy khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề nhưng chung đam mê sáng tạo nghệ thuật gốm. Đến với gốm, mỗi nghệ sĩ phải tìm cho mình chất liệu, phong cách, tạo ra được nét mới…
Xóa nhòa ranh giới tạo hình thuần túy
Triển lãm Dáng Xuân 2025 - Bắc Nam hội tụ cũng là sự kiện kỷ niệm 5 năm thành lập Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam. TS. Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Mỹ thuật ứng dụng, Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết, triển lãm lần thứ nhất quy tụ các tác giả nổi tiếng trong tạo hình gốm Việt Nam đương đại như cố họa sĩ Trần Khánh Chương và các họa sĩ: Lê Ngọc Hân, Nguyễn Trọng Đoan, Vũ Nhâm, Ngô Doãn Kinh... và nhiều tác giả thành danh nhưng đam mê chất liệu gốm, các nghệ nhân làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Đến triển lãm năm nay đã có sự tham gia của nhiều bạn trẻ yêu thích gốm nghệ thuật, không chỉ là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, có người là kiến trúc sư, giảng viên đại học… Từ 25 thành viên ban đầu, đến nay Câu lạc bộ có gần 100 thành viên, mỗi năm tổ chức 2 - 3 workshop, hoạt động sôi động, số lượng tác phẩm tham dự các triển lãm ngày càng tăng.
Các nghệ sĩ sáng tác và thể nghiệm đa dạng hình thức tạo hình trên gốm, sành và sứ tại các địa chỉ làng nghề giàu truyền thống như: Bát Tràng, Kim Lan, Phù Lãng, Hương Canh, Chu Đậu. Sự kết hợp nhuần nhuyễn điêu khắc, hội họa, đồ họa…, sự sáng tạo vô biên với các kỹ thuật đắp nổi, vẽ bằng bút lông, tạo dáng bình - lọ, tạo dáng khối - tượng… đã xóa nhòa các ranh giới tạo hình thuần túy. Chỉ với đất qua lửa và chất men đã tạo ra được những biến ảo với nhiều kỹ thuật mới được chinh phục. Có nghệ sĩ theo đuổi bảo tồn diện mạo cảm nhận truyền thống, nhưng nhiều nghệ sĩ vượt qua ranh giới của gốm xưa để mang đến cho nghệ thuật gốm sự lột xác hiện đại và thẩm mỹ độc đáo.
Các tác phẩm của nghệ sĩ phía Nam tạo hình theo hướng riêng, từ màu men, chất đất, cách nung, mang bản sắc của các vùng miền địa phương. Họa sĩ Lê Xuân Chiểu, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: Chúng tôi có đội ngũ nghệ sĩ gốm lớn, nhiều họa sĩ trong Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có phong trào một năm tham gia sáng tác tại nhà máy gốm, lò gốm, tạo nên những tác phẩm độc đáo. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn trong nghệ thuật gốm có đột phá, mang cách nhìn đương đại hơn, không chỉ là tác phẩm trưng bày, mà còn trở thành tác phẩm độc lập, với ngôn ngữ tạo hình mang giá trị riêng.
Tác phẩm gốm của các nghệ sĩ ngày càng có nhiều thay đổi, không chỉ phong phú về kiểu dáng mà còn được các nghệ sĩ khai thác, phát triển, tìm tòi và sáng tạo những màu men mới. Nhận định như vậy, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng: “Đây là tín hiệu vui và chúng ta chờ đợi nghệ sĩ gốm đương đại ngày càng đông hơn, thu hút nhiều bạn trẻ hơn, để nói được câu chuyện đậm đặc về gốm đương đại, đóng góp quan trọng thay đổi cách duy trì của làng gốm truyền thống trong bối cảnh hiện nay”.