Gốm sông Hương kể chuyện nghìn năm

Bài và ảnh: MINH AN 25/04/2022 05:39

Sau hơn 30 năm nghiên cứu và sưu tầm, hàng nghìn hiện vật gốm trục vớt từ dòng sông Hương được GS.TS. Thái Kim Lan, một người con xứ Huế, cho hình thành Bảo tàng Gốm cổ sông Hương. Bảo tàng vừa khai trương, đặt tại khuôn viên Thái Tộc từ đường, số 120 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, TP. Huế, nhìn ra bờ sông Hương thơ mộng, cạnh chùa Thiên Mụ.

Không gian choáng ngợp

Bước qua khỏi cánh cổng cổ kính của ngôi từ đường, hàng dài lu gốm được trưng bày đẹp mắt, cứ thế kéo dài vào bên trong. Nhưng có lẽ điều làm khách tham quan choáng ngợp là khi đặt chân vào không gian Bảo tàng. Hơn 2.500 hiện vật là vật dụng đời sống hằng ngày như lu, hũ, bình, chén, bát bồng, bình vôi làm bằng các chất liệu khác nhau như đất nung, sành, gốm men... được trưng bày theo từng giai đoạn, niên đại một cách khoa học.

Khách tham quan không gian trưng bày Bảo tàng Gốm cổ sông Hương
Khách tham quan không gian trưng bày Bảo tàng Gốm cổ sông Hương

Niên đại các hiện vật trong Bảo tàng kéo dài từ thế kỷ V trước Công nguyên đến thế kỷ XX, trong đó các hiện vật gốm, sành thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) chiếm số lượng nhiều nhất. Đây là sản phẩm của các làng nghề gốm cổ truyền Phước Tích và Mỹ Xuyên, Thừa Thiên Huế.

Không gian trưng bày cũng chia ra một số giai đoạn khác như tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh (cách ngày nay 3.000 - 2.500 năm), thời Chămpa (thiên niên kỷ I đầu Công nguyên), thời Lý - Trần đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX).

Theo các chuyên gia, trong số các “dòng sông cổ vật” nổi tiếng trên đất nước Việt Nam, sông Hương là một trường hợp độc đáo và hiếm thấy nhất. Độc đáo bởi số lượng đồ sộ và phong phú, nhiều chủng loại cổ vật của nhiều giai đoạn lịch sử được đưa lên khỏi mặt nước trong nhiều năm qua. Do vậy, dòng sông Hương xứng đáng là “di tích khảo cổ” lớn nhất ở Huế, là pho sử “sống” của vùng đất cố đô xưa. Đó là những minh chứng sống động nhất của các nền văn hóa đã qua, là hình ảnh trực quan nhất phác họa cuộc sống thường nhật của các cộng đồng dân cư trong quá khứ.

GS.TS. Thái Kim Lan - chủ nhân Bảo tàng Gốm cổ sông Hương nói rằng, để hình thành Bảo tàng như ngày nay không chỉ là cơ duyên mà còn làm niềm đam mê. Dù có thời gian dài sống ở nước ngoài, nhưng khi trở về ngôi nhà bên bờ sông Hương của gia tiên bà thấy luôn gắn bó và hạnh phúc như chưa bao giờ cách xa.

Đó cũng là lý do bà cùng người anh trai - họa sĩ Thái Nguyên Bá âm thầm, lặng lẽ sưu tập từng hiện vật để lưu giữ, kể chuyện cho thế hệ sau. Trong đó, bà sưu tập được nhiều bộ gốm quý của người bạn quá cố có niềm đam mê nghiên cứu về sông Hương là nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan. “Bảo tàng này như là cách để tôi tiếp tục sứ mệnh kể câu chuyện trường thiên mà chúng đang cất giữ cho đời nay và đời sau”.

Nơi gặp gỡ của người yêu sông Hương

TS. Nguyễn Anh Thư (Khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) - cố vấn chuyên môn cho Bảo tàng Gốm cổ sông Hương cho hay, ở Việt Nam, hiện vật gốm được phát hiện ở các dòng sông rất nhiều nhưng sau đó chúng bị phân tán khắp nơi và chưa có ai lập thành bảo tàng chuyên đề về gốm từ một vài dòng sông như ở đây.

“Người ta thường chỉ biết nhiều đến Huế giai đoạn từ sau thế kỷ XIV và nhất là triều Nguyễn nhưng lịch sử vùng đất Huế còn dài và xa hơn thế. Những hiện vật gốm cổ trong Bảo tàng này sẽ giúp nhà nghiên cứu hiểu hơn về đời sống người dân bản địa sống trong chiều dài hàng nghìn năm lịch sử”, TS. Nguyễn Anh Thư nhận định.

Sự ra đời của Bảo tàng Gốm cổ sông Hương đánh dấu sự phát triển bảo tàng ngoài công lập khi là bảo tàng thứ ba ở Thừa Thiên Huế và thứ 55 ở Việt Nam. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế khẳng định, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ Bảo tàng Gốm cổ sông Hương phát huy hết tiềm năng.

Được biết, thời gian tới, Bảo tàng sẽ ứng dụng công nghệ 3D và trải nghiệm thực tế ảo để giới thiệu rộng rãi hơn những hiện vật tiêu biểu và có giá trị trên website của Bảo tàng nhằm tạo điều kiện cho những người yêu thích cổ vật ở xa và chưa thể đến xem tận mắt có thể thưởng ngoạn chúng một cách trực quan qua trưng bày ảo. Việc ứng dụng công nghệ 3D trong trưng bày sẽ được Bảo tàng đẩy mạnh thời gian tới, đồng thời cũng là điều kiện để mở rộng chương trình giao lưu với các bảo tàng khác trong nước và trên thế giới.

Theo GS.TS. Thái Kim Lan, không dừng lại là Bảo tàng, không gian này sẽ luôn đón chào các nhà nghiên cứu, sinh viên, người trẻ yêu văn hóa nói chung và văn hóa Huế nói riêng, đặc biệt là yêu sông Hương, đến giao lưu, học tập. “Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày hiện vật mà sẽ còn là nơi tổ chức các hội thảo khoa học trong và ngoài nước cũng như sáng tạo những hoạt động thú vị, mang tính giáo dục cao để người dân địa phương và du khách, đặc biệt là các bạn trẻ, được trải nghiệm và học tập”, GS.TS Thái Kim Lan hy vọng.

Phát biểu tại lễ ra mắt Bảo tàng, GS.TS Thái Kim Lan chia sẻ: Bảo tàng Gốm cổ sông Hương đánh dấu giai đoạn mới của bộ sưu tập gốm cổ của gia đình và bằng hữu, bảo tàng trong nghĩa - trước hết chủ quan - cố sức mình - sau nữa - không một mình - mà luôn có sự quan tâm, ủng hộ của bằng hữu, của nhà chức trách trong việc gìn giữ và phát huy…

"Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi. Gốm cổ ngàn năm là sự ký thác trăm năm cho mai sau và ngàn sau nữa. Cũng thế, "của tin"- như bà tôi thường nhắc "của tin" có nghĩa gìn vàng giữ ngọc cho nhau, chính là bảo tàng của con người".

    Nổi bật
        Mới nhất
        Gốm sông Hương kể chuyện nghìn năm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO