Càng làm gốm càng... Mường!
“Với gốm, tôi coi nó như một trong những chất liệu, hình thức để giới thiệu câu chuyện văn hóa Mường”. Nhưng người Mường không làm gốm, hoặc ít nhất trong vài trăm năm trở lại đây, người ta không tìm thấy bất cứ dấu tích nào cho thấy có nghề làm gốm của người Mường. Ấy thế, như nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu chia sẻ, có cả một không gian văn hóa Mường trong gốm của anh. Chất văn hóa đậm đặc đến nỗi nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng từng thốt lên: “Hiếu càng làm gốm càng Mường!”
Xưởng gốm Mường được họa sĩ Vũ Đức Hiếu mở cửa tại Hà Nội năm 2024 nhằm tạo thêm nơi chốn để kể tiếp câu chuyện của gốm cho người yêu gốm, yêu nghệ thuật, du khách xa gần, còn cơ duyên khởi sự với gốm của anh bắt đầu từ chục năm trước. Khi đó, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (ở Hòa Bình) của Giám đốc, họa sĩ Vũ Đức Hiếu vẫn là nơi lui tới thường xuyên của nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham gia hoạt động sáng tác, giao lưu nghệ thuật. Năm 2014, trong một workshop tại Bảo tàng có sự tham gia của họa sĩ, nhà điêu khắc gốm Bảo Toàn, thích thú với không gian nơi đây, Bảo Toàn rủ Vũ Đức Hiếu “chơi” với gốm.
Nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu hay còn gọi là Hiếu Mường, sinh năm 1977 tại Hà Nội. Anh từng giành Giải thưởng Phan Châu Trinh về sự nghiệp văn hóa - giáo dục năm 2013; Giải thưởng quốc tế Jeonju (Hàn Quốc) về quảng bá di sản văn hóa phi vật thể năm 2020.
“Ban đầu tôi hình dung làm gốm rất phức tạp vì nghệ thuật này liên quan đến nhiều chất liệu như đất, men, lò nung rồi các dụng cụ chế tác khác... Nhưng khi bắt tay thực hiện, tìm hiểu nghề làm gốm từ chế men cho đến tạo cốt, tôi không ngờ lại thấy mình có duyên với gốm. Chỉ sau hai tháng, tôi đã có sản phẩm triển lãm (chung với nghệ sĩ gốm Trịnh Vũ Hiếu, ở Modul 7 Studio, Hà Nội), tính đến giờ đã là 10 năm chơi - học - làm gốm”, nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu chia sẻ.
Quan niệm làm gì là phải chỉn chu, thật hiểu, nghệ sĩ dành thời gian lặn lội tới các làng gốm trong Nam ngoài Bắc, tiếp thu kinh nghiệm của nghệ nhân làng nghề. 10 năm ấy có bao thăng trầm mà dân trong nghề thừa hiểu như việc đốt lò bị nổ, bị vỡ, hỏng cả mẻ gốm. Chưa kể, thực hành gốm có rất nhiều công đoạn khác nhau từ làm đất, ngâm, ủ đất, vuốt tạo dáng, làm men… Riêng bài men cũng khác nhau tùy vào cốt đất, phần nung đốt cũng khác nhau tùy vào dạng lò củi, lò ga hay lò điện, mỗi loại lò có thời gian đốt khác nhau, nhiệt độ khác nhau… tất cả đều quyết định chất lượng, hình thức của gốm. Cái khó của nghệ sĩ là một mình thực hiện từ đầu đến cuối, phải làm chủ tất cả công đoạn.
“Vì quá nhiều khâu, tạo ra nhiều bất ngờ nên gốm càng cuốn hút tôi. Càng khó khăn càng thôi thúc tôi muốn chinh phục”. Để rồi, thành quả sau những lần nghiên cứu, thử - sai ấy là các tác phẩm gốm Mường. Gọi là gốm Mường, theo nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu, vì nó được làm trên vùng đất của người Mường, những chất liệu cơ bản từ men tro, cây cối, đá, đất… đều của người Mường; ở Bát Tràng đất sét nhiều cao lanh cho ra dòng gốm trắng; ở Phù Lãng, Hương Canh đất giàu sắt cho ra dạng sành; ở đây, nghệ sĩ dùng đất đồi, đất tổ mối cùng bài men riêng để cho ra dòng gốm Mường đặc trưng.
Tuy nhiên, chất liệu chỉ là một phần, câu chuyện của gốm Mường còn nằm ở sự kết tinh giá trị đời sống người Mường. “Gốm Mường suy cho cùng chỉ là cách định danh, là cách để kể câu chuyện sâu xa hơn về văn hóa”.
Hòa quyện truyền thống và đương đại
Gốm nói chung thường bị gò vào công năng sử dụng. Khi định hình như vậy, ngay trong đầu đã có câu trả lời gốm là bát, đĩa, lọ hoa…, những thứ gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày. Nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu muốn câu chuyện khác, đem chất liệu gốm thể nghiệm sang ngôn ngữ đa dạng, phong phú hơn, kỹ thuật men cũng thế, vượt qua công năng thông thường là đồ đựng. “Tôi muốn chế tác loại hình gốm có thể đi xa hơn trong nghệ thuật, trong văn hóa”.
Nghệ sĩ thừa nhận lúc đầu anh không có ý định gò tinh thần của gốm về một câu chuyện nào cả nhưng có lẽ vì anh nghiên cứu văn hóa Mường, sống ở không gian người Mường nên những va chạm, tiếp xúc hàng ngày đi vào tác phẩm. Những nơm, đó, giỏ, gùi là vật dụng sinh hoạt thường ngày của người Mường; những hoa văn, họa tiết thổ cẩm, hương rừng sắc núi; nếp ăn ở, phong tục tập quán, nghi lễ của người Mường… cứ thế hòa trộn trong cách tạo dáng, họa men.
Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng phân tích: “Mường thế nào? Là tinh thần, là câu chuyện của văn hóa Mường. Tác giả được sống, nghiên cứu, tìm hiểu câu chuyện văn hóa Mường, khi thể hiện vào gốm thì chất Mường hiển lộ từ hoa văn thổ cẩm, đến vật dụng, đồ dùng, quyện vào tác phẩm”.
Chuyện của gốm Mường thực ra chính là câu chuyện nối dài của văn hóa Mường, của hành trình gìn giữ, phát triển văn hóa nói chung mà nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu luôn tâm huyết, trăn trở. Năm 2007, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường được thành lập, tọa lạc nơi triền đồi, tại số 202 đường Tây Tiến, thành phố Hòa Bình, mang tinh thần kết nối truyền thống và đương đại. Đời sống sinh hoạt của người Mường, gồm vật dụng, không gian sống, nghề thủ công… được tái hiện sinh động, song song với không gian trưng bày hội họa, điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt.
Nhiều nghệ sĩ đến đây, tham gia các workshop nghệ thuật, lấy cảm hứng từ chất liệu, câu chuyện văn hóa Mường rồi kể lại theo phong cách nghệ thuật khác nhau. Nghệ sĩ với cách nhìn độc đáo chính là người hỗ trợ lan tỏa văn hóa Mường, nâng giá trị của văn hóa truyền thống thông qua tác phẩm nghệ thuật. Thông qua nghệ sĩ là cách nhanh nhất để tạo nên giá trị kết hợp giữa văn hóa và truyền thống, nghệ thuật và đương đại; đồng thời sự song hành ấy làm giàu thêm cho cả văn hóa và nghệ thuật.
Quá trình làm nghệ thuật, gắn bó với văn hóa Mường, anh thấy mình nhận được gì? Nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu nói anh không có ý định nhận lại gì cả. Mục tiêu của anh là tiếp tục tôn vinh văn hóa Mường, tôn vinh giá trị truyền thống, gắn liền với hoạt động sáng tạo nghệ thuật đương đại. “Bảo tàng Không gian văn hóa Mường có chương trình dành cho đối tượng học sinh. Tôi muốn những đứa trẻ đến đây, thấy được câu chuyện văn hóa, có được vốn hiểu biết nhất định về văn hóa Mường. Tôi coi đó là cách để gieo hạt, để khi đi ra ngoài, các em gặp một nền văn hóa khác, một dân tộc khác, có vốn để so sánh, đối chiếu, cộng hưởng và phát triển. Với gốm cũng vậy. Gốm Việt vốn nổi tiếng trên thế giới nhưng vì nhiều lý do, nó không được như trước nữa. Tôi mở xưởng, làm các workshop chia sẻ câu chuyện về gốm, thực hành với gốm, để nâng cao giá trị, để câu chuyện của gốm lan tỏa”.