Gợi ý từ bài báo của Tô Huy Rứa

Gs. Tskh. Nguyễn Ngọc Trân 20/11/2014 08:43

Báo Nhân dân vừa đăng bài của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương, Trưởng Ban Tổ chức trung ương Đảng Tô Huy Rứa, về Một số vấn đề về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay. Bài viết cần được nghiên cứu kỹ, tương ứng với công sức đề ra của tác giả.

Đúng vào lúc Quốc hội sắp bàn và ra Nghị quyết về Đề án Đổi mới giáo dục, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tôi muốn liên hệ đến những nội dung của Đề án và đến Nghị quyết của Quốc hội về đề án này.

1. Bài báo nhắc lại những nội dung chính của Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết 29 của Hội nghị BCHTW lần thứ 8 (Khóa XI) liên quan đến đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục, và những luận điểm của Đảng đối với vấn đề này. Đặc biệt tác giả viết: “Cần phải nói một cách khách quan rằng, đây là luận điểm không mới, chúng ta đã nêu ra nhưng chưa làm được nhiều. Đã hàng chục năm qua, chúng ta bắt mạch đúng rằng, nguồn nhân lực yếu kém là một trong các điểm nghẽn của tăng trưởng”.

Hai câu hỏi rất cần được giải đáp là “Đã bắt mạch đúng, tại sao bốc thuốc chưa trúng? “Đề án mà Chính phủ trình có phải là một thang thuốc đúng bệnh không?

2. Tác giả đã nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo, coi trọng giáo dục tiểu học, đẩy mạnh hướng nghiệp và dạy nghề, không phổ cập đại học tràn lan, và nhấn mạnh “quản lý sản phẩm đầu ra” thay vì “quản lý sản phẩm đầu vào”, không theo chuẩn mực chung của thế giới.

Trong suốt bài viết tác giả không hề nói đến dù chỉ một lần, yêu cầu “đổi mới chương trình, sách giáo khoa”. Ngược lại, tác giả đã nhắc đến nhiệm vụ “trồng người” vừa trước mắt vừa lâu dài, mà Bác Hồ đã căn dặn.

Theo tôi hiểu, “trồng người” là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, mà người vun trồng trực tiếp chính là đội ngũ thầy cô. Để thầy cô hoàn thành nhiệm vụ cao cả này, hệ thống chính trị phải có sự quan tâm, thể hiện bằng những chế độ chính sách, nhất là tạo điều kiện để các thầy cô được đào tạo căn bản và luôn được nâng cao khả năng nghiệp vụ theo đà tiến bộ của khoa học và công nghệ. Mong rằng vấn đề quan trọng này sẽ được đề cập trong nghị quyết của Quốc hội.

3. Tác giả đã nói đến “thần kỳ Nhật bản”, “kỳ tích sông Hàn”, “hòn đảo trí tuệ” Singapore, đến “hành lang đa phương tiện” Malaysia, đến các giải thưởng Nobel, những người luôn đưa ra những tư tưởng khoa học - công nghệ, tư duy phát triển “vượt trước” nhân loại.

Mong rằng cuộc thảo luận ở Quốc hội ngày 20.11.2014, đúng vào Ngày nhà giáo, sẽ làm rõ về những yếu tố đã làm nên những thành tựu đó và đưa vào Nghị quyết của Quốc hội.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Gợi ý từ bài báo của Tô Huy Rứa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO