Gói tín dụng 30.000 tỷ chưa đạt hiệu quả mong muốn

- Thứ Sáu, 15/11/2013, 08:40 - Chia sẻ
Theo số liệu của Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm này đã có 619 khách hàng cá nhân được cam kết cho vay và 590 khách hàng được giải ngân với số tiền hơn 142 tỷ đồng từ gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng của Chính phủ. Mặc dù đây là con số tích cực hơn so với giai đoạn trước, nhưng sau nửa năm triển khai, gói tín dụng này vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn.

Mặc dù kết quả giải ngân của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã tăng lên theo từng tháng, từ mức 3,5 tỷ đồng trong tháng 6, đã tăng gấp 10 lần, lên 35 tỷ đồng vào tháng 7 và cuối tháng 9 đã đạt 142 tỷ đồng, nhưng toàn bộ số tiền đã được giải ngân cũng mới chỉ tương đương khoảng 0,5% gói tín dụng này. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó quan trọng nhất là người dân và doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được với gói hỗ trợ này, do hồ sơ thủ tục khá ngặt nghèo. Người dân muốn vay tiền từ gói này cần phải chuẩn bị tới hơn 10 loại hồ sơ, giấy tờ khác nhau. Vì vậy, ngay cả một thị trường lớn như thành phố Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 10.2013, chỉ mới có 58 khách hàng được giải ngân với tổng vốn cho vay 22,6 tỷ đồng. Theo giải thích của các ngân hàng, nguyên nhân là nhiều phòng công chứng không đồng ý công chứng đối với các hợp đồng thế chấp căn hộ được hình thành trong tương lai do chưa có quy định loại hình thế chấp này. Bên cạnh đó, theo quy định, nhà ở xã hội chỉ được bán sau 10 năm kể từ khi ký hợp đồng mua mới được chuyển nhượng nên ngân hàng cũng không thể công chứng hoặc giao dịch bảo đảm đối với các hợp đồng thế chấp loại tài sản này. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản lại phản ánh một thực tế khác. Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam Nguyễn Ngọc Thành phản ánh, các ngân hàng đưa ra những yêu cầu chặt chẽ đối với doanh nghiệp như phải mua lại căn hộ nếu khách hàng không có khả năng trả nợ, nhưng thủ tục để mua lại không đơn giản, thậm chí rất khó khăn.


Nguồn: ITN
Ở nhiều địa phương, gói 30.000 tỷ đồng đang bị “ế” do nhiều lý do khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là thu nhập của người lao động quá thấp, ví dụ như ở Bình Dương. Vì vậy, trong số hơn 800.000 lao động trên địa bàn này, hiện vẫn có đến 85% chấp nhận cảnh thuê nhà.

Tình trạng khó khăn trong việc vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng mới được kỳ vọng khơi thông sau khi Bộ Xây dựng đưa ra những điều kiện thuận lợi hơn như mở rộng đối tượng được vay vốn và nới lỏng điều kiện vay, nhưng nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, nếu tiếp tục triển khai theo cách hiện tại, thì có thể khẳng định gói 30.000 tỷ đồng đã thất bại. Từ góc độ của một chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh phân tích: gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này, nếu cứ cố cho vay hết thì chắc chắn sẽ dẫn tới nợ xấu bất động sản vì với đối tượng vay được xác định theo tiêu chí hiện thời thì khả năng trả nợ rất thấp.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng: cần quy định lãi suất cho vay từ gói hỗ trợ bằng một tỷ lệ nào đó theo lãi suất thị trường hoặc lãi suất tái cấp vốn của NHNN, vì bản chất vốn cho vay ưu đãi là từ nguồn tái cấp vốn. Cơ quan quản lý nhà nước phải tính lại giá xây dựng. Chi phí 1m2 nhà thu nhập thấp là bao nhiêu. Đặc biệt, Nhà nước phải có các tiêu chí kỹ thuật hết sức chặt chẽ để làm sao đảm bảo tiến độ và chất lượng căn hộ của dự án. Về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm, các ngân hàng bắt buộc phải chặt chẽ để tránh nợ xấu, nhưng trong điều kiện hiện tại nếu như không nới lỏng điều kiện cho vay thì sẽ không thúc đẩy được tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ, nên ngân hàng cần tính toán lại cách thức và điều kiện cho vay phù hợp.

Theo phân tích của Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm, đã đến lúc cần xem lại cách thức triển khai gói tín dụng này, từ thủ tục hành chính đến các yếu tố cần thiết của các dự án nhà ở xã hội, để tránh lãng phí tiền xây nhà ở xã hội mà không thu hút được người dân đến các dự án này: giao tất cả trách nhiệm cho các ngân hàng là làm khó họ, buộc họ phải rà soát các hồ sơ trong khi, đó là việc của cơ quan chức năng. Nhà ở xã hội muốn đúng đối tượng thì phải rẻ, muốn rẻ thì phải xa, mà người thu nhập thấp đã vất vả còn ở quá xa thì rất khó, từ đó dẫn tới nhiều người sẵn sàng chấp nhận thuê nhà, ở chật hẹp còn hơn mua nhà ở xã hội.

Theo các chuyên gia kinh tế, tài chính, trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện tại, không nên quá tập trung về lượng giải ngân của gói 30.000 tỷ, mà nên chú trọng về chất, để gói tín dụng này thực sự gắn với mục tiêu của Nghị quyết 02 của Chính phủ là giảm tồn kho cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng, bất động sản. Nếu cứ cố cho vay bằng được thì có thể sẽ làm tăng thêm gánh nặng ngân sách một cách không cần thiết.

Thu Thùy