Khó khăn khi truy xuất nguồn gốc
Các nhà phân tích nhận định rằng, trong khi chuỗi cung ứng và kênh phân phối cho các sản phẩm mới và có biên lợi nhuận cao được quản lý chặt chẽ, thì chuỗi cung ứng các thiết bị điện tử cũ từ châu Á lại ngược lại - nơi tình trạng làm giả, tồn kho dư thừa và các hợp đồng sản xuất phức tạp có thể khiến việc xác định nguồn gốc của sản phẩm trở nên bất khả thi.
Sau vụ nổ thiết bị điện tử khiến 37 người thiệt mạng và khoảng 3.000 người bị thương ở Lebanon, phản ứng từ các công ty chịu trách nhiệm chính, đã nêu bật những khó khăn trong việc xác định cách thức và thời điểm các thiết bị được sử dụng làm vũ khí. Theo một nguồn tin an ninh, Hezbollah đã mua các thiết bị này cách đây khoảng 5 tháng và cho rằng các máy nhắn tin là từ Gold Apollo.
Ngay khi sự việc xảy ra, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Công ty Gold Apollo có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), ông Hsu Ching-kuang đã bị triệu tập để thẩm vấn liên quan đến vụ các vụ nổ và đã được thả mà không có bất kỳ cáo buộc nào. Ông Hsu Ching-kuang khẳng định, các thiết bị này không phải do Gold Apollo sản xuất mà được chế tạo bởi Công ty BAC có trụ sở tại Budapest, Hungary. Điều này đã làm dấy lên cuộc điều tra ở Hungary, Bulgaria, Na Uy và Romania về nguồn gốc của thiết bị gây chết người này. Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Kuo Jyh Huei cũng cho biết, các thành phần được sử dụng trong máy nhắn tin phát nổ ở Lebanon không được sản xuất tại Đài Loan.
Ngoài Gold Apollo, các thiết bị bộ đàm mang logo ICOM của Nhật Bản cũng đã phát nổ, mẫu máy liên quan đến vụ việc là IC-V82. Ngay sau đó, công ty này đã lên tiếng phản hồi và khẳng định, họ không thể biết liệu bộ đàm mang logo công ty có phải hàng thật hay không, trong một thị trường tràn ngập hàng giả. ICOM đã trích dẫn lời Bộ trưởng Viễn thông Lebanon Johnny Corm cho biết, các thiết bị này không được nhập khẩu thông qua nhà phân phối và các sản phẩm giả cùng số hiệu đang được nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Công ty sản xuất IC-V82 vào năm 2004 và được vận chuyển đến nhiều khu vực bao gồm cả Trung Đông; song đến tháng 10.2014, công ty đã ngừng sản xuất mẫu máy này. Hơn nữa, để chống lại tình trạng tràn lan các thiết bị giả do châu Á sản xuất, ICOM đã bắt đầu dán “nhãn dán ảnh ba chiều” bên trong ngăn chứa pin của IC-V82 chính hãng. Và theo điều tra, hình ảnh các thiết bị phát nổ không hiển thị những nhãn dán này, do đó khả năng chúng thuộc sản phẩm của công ty này là “cực kỳ thấp”.
Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác đã có nỗ lực phối hợp để kiểm soát xuất khẩu, nhằm ngăn chặn hàng hóa có khả năng ứng dụng quân sự rơi vào tay các nhóm khủng bố gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc tế. ICOM cho biết, chương trình xuất khẩu của họ dựa trên các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và họ luôn tuân theo “hệ thống quản lý chặt chẽ” đối với các lô hàng này. Mặc dù ICOM chỉ gửi sản phẩm của mình đến các nhà phân phối được ủy quyền ở nước ngoài, nhưng rất khó để theo dõi chặt chẽ lộ trình hàng hoá từ đó. Trong trường hợp này, các thiết bị đã ngừng sản xuất hoặc giả mạo đã đến tay các chiến binh Hezbollah, với chất nổ dường như được đóng gói bên trong tại một thời điểm nào đó trong quá trình vận chuyển.
Theo một lá thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) của phái đoàn Lebanon tại LHQ, một cuộc điều tra sơ bộ do chính quyền Lebanon tiến hành về các thiết bị này đã phát hiện ra rằng chất nổ đã được cấy trước khi chúng được đưa vào nước này. Tuy nhiên, không rõ máy nhắn tin và bộ đàm được cài chất nổ hoặc kích nổ từ xa như thế nào.
Nhức nhối vấn nạn hàng giả, hàng nhái
Theo chuyên gia công nghệ David Fincher tại Trung Quốc, tình trạng hàng giả hiện nay rất phổ biến, đặc biệt là ở các trung tâm sản xuất lớn như Trung Quốc, nơi các linh kiện giả có thể dễ dàng được sản xuất, cũng như việc chuyển từ linh kiện giả sang xâm phạm chuỗi cung ứng là điều dễ dàng.
Đối tác của công ty sở hữu trí tuệ Trung Quốc East IP, ông Joe Simone cho biết, một phần của vấn đề là các thương hiệu nhỏ hơn có xu hướng đầu tư ít hơn vào việc kiểm soát hàng giả, do chi phí có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Sáng chế Nhật Bản, hơn 7% công ty tại Nhật Bản báo cáo tổn thất kinh doanh do hàng giả vào năm 2020. Do đó, các công ty đã khuyến cáo khách hàng chỉ sử dụng mạng lưới nhà phân phối chính thức để bảo đảm mua được sản phẩm chính hãng.
Mặc dù công ty đã có khuyến cáo như vậy, nhưng để giải quyết vấn nạn hàng giả thì không phải là một việc dễ dàng. Khảo sát của Reuters cho thấy, tại Trung Quốc, có hàng chục cửa hàng bán máy bộ đàm mang thương hiệu ICOM trên các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba, Taobao, JD và Pinduoduo, trong một số trường hợp có cả mẫu IC-V82. Trong số ba nhà cung cấp sản phẩm ICOM có trụ sở tại Trung Quốc trên sàn Alibaba, không có nhà cung cấp nào được liệt kê là nhà cung cấp chính thức trên trang web của công ty này. Guangzhou Minxing Communications Equipment Co và Chengdu Bingxin Technology Co Ltd khẳng định họ bán sản phẩm chính hãng, trong khi Quanzhou Yitian Trading Co đã thừa nhận bán “hàng nhái do Trung Quốc sản xuất” ngoài các sản phẩm chính hãng.
Khi được hỏi về những sản phẩm của công ty đang được bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử ở nhiều quốc gia tại châu Á, ICOM khẳng định tất cả các sản phẩm của mình đều được sản xuất tại các nhà máy ở Nhật Bản; đồng thời họ từ chối đưa ra bình luận về các sản phẩm mang nhãn hiệu của công ty được bán trên các trang web trực tuyến của Trung Quốc. Đối với Gold Apollo, công ty đã cấp phép thương hiệu của mình cho BAC có trụ sở tại Budapest, chuỗi cung ứng đã chuyển thành một đường dây sản xuất “bí ẩn” mà các nhà chức trách ở nhiều quốc gia hiện đang cố gắng ghép lại với nhau.
Nhà nghiên cứu về thiết bị điện tử giả tại Đại học Maryland Diganta Das cho biết: “Sự phổ biến rộng rãi của các thiết bị sản xuất giá rẻ đã qua sử dụng, cho thấy những kẻ làm hàng giả ngày càng có thể sản xuất nhiều các linh kiện đơn lẻ hơn và thậm chí là sản xuất ra các sản phẩm hoàn chỉnh. Chính vì vậy, đây không còn được gọi là hàng nhái, mà giống như sản xuất bất hợp pháp hơn”.
Kumiko Pivette Tobimatsu, chuyên gia về rủi ro chuỗi cung ứng tại Công ty tư vấn PwC Nhật Bản, cho biết: “Có thể áp dụng nhiều biện pháp, chẳng hạn như ký kết các hợp đồng yêu cầu tuân thủ kiểm soát xuất khẩu và các luật, quy định khác, cũng như thiết lập các thông số kỹ thuật sản phẩm để phát hiện những thay đổi của bên thứ ba”. Mặc dù không thể làm gì nhiều để ngăn chặn việc phân phối không đúng cách các sản phẩm đã qua sử dụng, nhưng “các nhà sản xuất ban đầu sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp sử dụng sai mục đích”. Bà cho biết, khi xử lý công nghệ tiên tiến có khả năng được sử dụng cho mục đích quân sự, “cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngay cả khi sản phẩm đó dành cho người tiêu dùng”.
Trước tình trạng đáng lo ngại này, Lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran (IRGC) đã ra lệnh cho tất cả các thành viên ngừng sử dụng bất kỳ loại thiết bị liên lạc nào. Một trong những quan chức an ninh nước này cho biết, IRGC đang tiến hành một hoạt động quy mô lớn để kiểm tra tất cả các thiết bị, không chỉ thiết bị liên lạc. Hiện hầu hết các thiết bị này đều là hàng tự chế hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Nga.