Góc nhìn từ bên kia chiến tuyến

24/03/2007 00:00

Nếu cần một ít dòng mà giới thiệu một cách tâm huyết, sinh động về cuốn sách này thì tôi không thể nào viết hay hơn lời bạt của nhà thơ Đỗ Minh Tuấn, nên tôi đành trích ra đây: “ … Chỉ có phép lạ bí ẩn của tâm linh mới thôi thúc những con người như Lê Thành Giai, Hiếu Nguyễn say sưa tìm lại cội nguồn của huyền thoại Đặng Thùy Trâm, tìm thấy lẽ sống mới và sinh lực mới trong nỗ lực cùng cộng sinh với huyền thoại…Đặng Thuỳ Trâm đã thật sự trở thành một kiểu nữ thánh đồng trinh đang lặng lẽ nối kết những con người có số phận khác nhau hội tụ về ký ức.

      Ký ức xót xa, quằn quại nhưng đầy hấp dẫn tưởng chừng như đã vĩnh viễn trở thành hư vô trong dòng chảy sục sôi tàn bạo của thời cuộc, bỗng được phục sinh, sống động đến từng chi tiết. Sau gần nửa thế kỷ, những người lính ở bên kia chiến tuyến vẫn nhớ rõ từng làn khói súng, từng kích cỡ đạn, từng mùi hôi thối của xác chết và từng thoáng run rẩy, lo âu và mơ mộng trong tâm trí tuổi đôi mươi…Cuốn ký sự của Lê Thành Giai đã cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu hết sức chi tiết, sống động, hết sức nhân văn về một quãng thời gian ở chiến trường Đức Phổ…”.
      Còn đây là chính những lời của tác giả cuốn sách: Lê Thành Giai, nguyên thông dịch viên (TDV) thâm niên nhất của Lữ đoàn 11, Sư đoàn Americal bộ binh Mỹ từng có mặt ở Đức Phổ, Quảng Ngãi từ 1967-1969. Chỉ có anh biết rõ Bác sĩ Đặng Thùy Trâm từng bị săn đuổi như thế nào, đơn vị nào được phân công săn đuổi.  Một số người trong số đó đang ở Mỹ anh đều liên lạc được để sưu tầm thêm tư liệu qua những nhân chứng sống, anh bộc bạch “Thùy Trâm là một kỷ niệm lớn trong đời lính của tôi!”. Mở đầu tập ký sự chiến tranh, anh đã không quên ghi ơn người đã có công tác động chủ yếu vào anh để anh hình thành bản thảo, lại chính do người ấy đã cấu trúc cuốn sách dựa trên những lá thư điện tử, những tài liệu tản mạn của anh, rồi đứng ra làm việc với nhà xuất bản, trông nom cho cuốn sách ra đời. Có thể nói đó là một đồng tác giả ẩn danh: nhà văn, dịch giả Phạm Viết Đào, người đã lần đầu tiên dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm ra tiếng nước ngoài (tiếng Romania, NXB Thế Giới quý III/2006):  “…Tôi chỉ viết được mấy bài ngắn về bác sĩ Đặng Thùy Trâm trên báo Thanh Niên. “Chỉ có vậy thôi sao?”  Tôi nhớ nhiều bạn tôi đã hỏi vậy. Thật lòng, tôi rất muốn viết thêm, viết kỹ hơn, có tư liệu, và những     nhân vật dính líu, nhưng không biết làm cách nào để thực hiện. Chính lúc ấy, Phạm Viết Đào xuất hiện trong e.mail và đề nghị tôi viết mọi thứ tôi có thể nhớ. Sự nhạy cảm của Phạm Viết Đào đã nâng tôi lên. Tôi chưa biết chút gì về anh, nhưng lời lẽ trong e.mail đầy ắp chân tình đã thuyết phục tôi…Anh viết: “Hãy cố làm một mố cầu nhỏ, gánh chịu những áp lực từ hai phía để cho những nhịp “cầu tre” lắt lẻo bắc qua được những kinh rạch, những đầm ao thù hận, định kiến vẫn còn ngưng đọng đâu đó do cuộc chiến gây ra được khoả lấp…Chúng ta khơi lại không vì mục đích chính trị mà vì mục đích văn hóa tinh thần. Dân tộc chúng ta cần hiểu rõ hơn tâm trạng của mình, những quằn quại của từng thân phận con người trong giai đọan máu lửa đó”.
      Cuốn sách chia hai phần chính: 1- Đặng Thùy Trâm trong ký ức những người lính Mỹ, do tác giả viết. 2- Chiến trường Đức Phổ, do tác giả sưu tầm và dịch. Phần 2 này gồm cả bài phân tích, đánh giá của Đại tướng Chu Huy Mân về ý nghĩa chiến dịch Pleime với trận then chốt Ia Drang đánh thiệt hại Lữ đoàn 3, Sư đoàn không vận số 1, đơn vị mạnh nhất của quân đội Mỹ mà McNamara Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho là đơn vị mạnh nhất của quân đội các nước trên thế giới bất khả thắng, rồi đánh giá của đại tướng Westmoreland “Quân chính quy Bắc Việt rất khôn ngoan!” đã dùng cách tấn công trại Lực lượng đặc biệt Pleime, niềm tự hào của Mỹ  để dử quân đội Mỹ vào một thế  trận đã bày sẵn…dẫn đến thảm bại của một chiến thuật tân kỳ: Đệ nhất Sư đoàn kỵ binh không vận Hoa Kỳ gẫy cánh trên Cao nguyên.  Từ tầm bao quát chiến lược của hai vị tướng đến những nhận xét của một trung sĩ thám báo đã hiện rõ hoàn cảnh khốc liệt của chiến trường Đức Phổ, trong đó xuất hiện đội phẫu thuật của Đặng Thùy Trâm mà TDV Hiếu Nguyễn khoe với tác giả:  “…trinh sát đột kích bất ngờ vào một lán trại quân y của “vixi” ở núi Tam Cọp, đông bắc Đức Phổ, “nhưng do trực thăng làm ầm ĩ nên địch quân rút mất tiêu”... tao chút xíu  ăn đạn AK…trong mớ tài liệu lượm được có báo cáo hoạt động của đội phẫu thuật do nữ bác sĩ Thùy Trâm điều hành”. 
      Trong bối cảnh phải đối diện với căng thẳng và nguy hiểm, với súng đạn, tiếng ồn của trực thăng, pháo binh… thì hình ảnh một nữ bác sĩ phía bên kia tựa một làn gió mát làm dịu không khí nóng của chiến trường, khiến TDV Hiếu Nguyễn đã căn cứ vào vóc dáng cô bạn gái anh ở một vùng quê Nam Bộ để vẽ chân dung tưởng tượng về cô bác sĩ đối phương không kém phần dịu dàng nền nã…”Tin tức về nữ bác sĩ Việt Cộng được TDV truyền miệng đến tai lính Mỹ. Chơi với viễn thám nên các bác sĩ quân y của Tiểu đoàn 1 Quân y Hoa Kỳ cũng biết. Chuyên đổ các toán viễn thám và bốc về nên các phi hành đoàn  trực thăng Đại đội 174 cũng biết, rồi quân thiết giáp, pháo binh cũng biết. Họ chú ý không phải lý do “lãng mạn” như Hiếu Nguyễn mà do suy luận: theo cấp số nhân sự ai cũng nghĩ, có bác sĩ phẫu thuật thì lực lượng đối phương phải ở cấp trung đoàn trở lên, do đó phải là quân chính quy Bắc Việt. Như vậy, “quân Sao Vàng” đã xuống đồng bằng. Qua đó, cấp chỉ huy Mỹ biết rằng thời kỳ quần thảo với du kích địa phương đã chấm dứt. Với họ, bác sĩ Thùy Trâm là biểu trưng sức mạnh của một trung đoàn chính quy. 
      Khám thương tích khá nặng của một người dân được trạm này cứu chữa, viên Bác sĩ quân y Mỹ còn biết được trình độ nghề nghiệp của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm: “… theo ngón tay của bác sĩ McLain tôi nhìn thấy các nút thắt khâu kín bằng chỉ mổ, đều đặn và tỉ mỉ, chạy suốt vết thương do miểng đạn pháo. BS McLain không tin là có ai đó thuộc hàng tay ngang trong ngành y đã dám thực hiện công việc cứu thương hiệu quả như thế! Ông bác sĩ nhún vai, miệng huýt sáo nhỏ như khâm phục...”
      Sau ba lần bị toán thám báo của Jack chụp hụt, rồi còn bị họ gọi cả B52 mưa bom xuống khu trạm phẫu thuật mà không hiệu quả, cô Bác sĩ Việt Cộng đã trở thành huyền thoại ngay cả với lính Mỹ của Lữ đoàn 11…
Cuốn sách không chỉ hoàn thiện hình ảnh Đặng Thuỳ Trâm cho chúng ta mà còn cho thấy tuổi trẻ bên kia chiến tuyến (mà ở đây tiêu biểu là tầng lớp sinh viên ưu tú buộc phải làm thông dịch viên) đã bị cả một bộ máy quyền lực và truyền thông dồn vào con đường binh nghiệp không lối thoát, nếu anh không dám chống lại hoàn cảnh…
      Thức mấy đêm để đọc và viết giới thiệu cuốn sách này, vô hình trung tôi cũng được góp chút xíu “…nỗ lực cộng sinh với huyền thoại Đặng ThùyTrâm” như nhà thơ họ Đỗ đã viết trong Lời bạt

Vân Long
(Đặng Thùy Trâm & chiến trường Đức Phổ của Lê Thành Giai - Nhà xuất bản Văn học, 2007)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Góc nhìn từ bên kia chiến tuyến
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO