Góc nhìn mới về an ninh lương thực

Hải Hùng 06/06/2009 00:00

Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp, như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam coi an ninh lương thực là mối quan tâm hàng đầu.

Lâu nay, an ninh lương thực được tính toán trên cơ sở lấy nhu cầu tiêu thụ lương thực bình quân đầu người/tháng nhân với tổng số dân, cộng thêm khoản dự phòng thiên tai, dịch bệnh nông nghiệp... Sau đó, từ sản lượng mùa vụ dự báo, các chuyên gia sẽ tính toán để trừ ra khoản dành cho an ninh lương thực, làm lúa giống,... rồi mới dành khoản dôi ra dành cho xuất khẩu.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cách tính này đã lỗi thời bởi các biến số của phép tính đã biến đổi. Ví dụ, lượng gạo bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ hiện chỉ đạt 397,3 gam/ngày, tức chỉ hơn 11,9 ki lô gam/người/tháng, theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia. Trong khi đó, theo tiêu chí mà các chuyên gia tính toán, lượng gạo cần dành lại để đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân lên đến 13 ki lô gam/người/tháng. Nếu đem con số chênh lệch đó nhân với tổng số dân thì cũng đã dôi ra một lượng gạo lớn. Vì thế, theo các chuyên gia, cần có những tính toán sát hơn về lượng gạo dự trữ đảm bảo an ninh lương thực. Sau đó, số gạo này cần được giao cho các tổng công ty lương thực thu mua, tích trữ.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng diện tích lúa đang ngày một suy giảm. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn từ năm 2000- 2007, diện tích đất trồng lúa đã giảm 360.000 ha, phần lớn tập trung ở hai vựa lúa lớn nhất nước là đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Phần lớn diện tích lúa bị giảm là do chuyển sang đất phi nông nghiệp hoặc nuôi trồng thủy sản. Dự báo, dân số Việt Nam tiếp tục tăng bình quân 1-1,2%/năm trong vài thập niên tới, trong khi diện tích lúa giảm dần và năng suất cũng khó tăng thêm. Thực tế này đã tạo ra những thách thức cho an ninh lương thực và việc làm cho nông dân.

Để bảo đảm được an ninh lương thực, theo tính toán của Bộ NN và PTNT, đến năm 2015 cần phải giữ cho được tối thiểu 3,8 triệu ha và năm 2030 là 3,5-3,6 triệu ha đất canh tác lúa, trong đó đất chuyên lúa nước là 3,2 triệu ha- điều kiện . Trước mắt, kiến nghị các bộ, ngành chức năng cần điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng chủ yếu lấy đất đồi và đất cát ven biển. Đồng thời, nên tăng thuế suất chuyển đổi đất lúa sang các mục đích phi nông nghiệp cao hơn 2- 4 lần so các loại đất khác...

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, giải pháp bền vững nhất làm sao giúp người trồng lúa nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Bình luận về việc tạm ngưng xuất khẩu gạo vài tháng với lý do an ninh lương thực TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ nói: Cứ chăm bẵm vào an ninh lương thực thì không khéo lại hại chính nó, một khi giá lúa xuống thấp, nông dân nản lòng không trồng tiếp. Một chuyên gia khác cho rằng, ngừng xuất khẩu gạo với lý do an ninh lương thực là Nhà nước đang bắt nông dân đảm bảo an ninh lương thực trong nướác. Điều này là bất hợp lý.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Góc nhìn mới về an ninh lương thực
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO