Góc nhìn doanh nhân: Để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được vốn ODA

20/03/2010 00:00

Ban Bí thư đã có kết luận về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW (khóa X), theo đó, yêu cầu cần có cơ chế để doanh nghiệp tư nhân được vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) như các doanh nghiệp Nhà nước. Thời gian qua, với quan niệm ODA là viện trợ chính thức, do các tổ chức nước ngoài cho vay với sự đảm bảo của Nhà nước nên việc tiếp cận nguồn vốn này là do các cơ quan Nhà nước, hoặc các doanh nghiệp nhà Nước được ủy quyền. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện chưa có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn này. Trong khi doanh nghiệp tư nhân thiếu vốn thì các nguồn vốn cam kết của nước ngoài thường được doanh nghiệp Nhà nước giải ngân chậm với tỷ lệ thấp, thậm chí có năm chỉ đạt khoảng 50- 60%. Nhiều doanh nghiệp tư nhân phải “ẩn danh” để đứng đằng sau các doanh nghiệp quốc doanh thực hiện các dự án ODA trong các công trình giao thông, điện dưới hình thức “hợp đồng phụ”.

Quyết định này được đánh giá là đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, T.S Lê Đăng Doanh, chuyên gia cao cấp của Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng tỏ ra lo ngại rằng, từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn là một chặng đường dài, đặc biệt là trong việc tiếp cận với những nguồn vốn “rẻ” như ODA.

Theo ông Doanh, để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được với nguồn vốn ODA, thông tin về các nguồn ODA cần được công khai, minh bạch với các chủ thể có khả năng tham gia thực hiện; Bộ Kế hoạch Đầu tư hình thành tổ chức chuyên trách thu hút vốn ODA cho các dự án của kinh tế ngoài quốc doanh từ khâu thẩm định, giới thiệu quảng bá, tìm nguồn vốn và tham gia cùng các chủ doanh nghiệp trong quá trình đàm phán. Nhà nước và các tổ chức tài chính cần xác lập khung pháp lý, các điều kiện tài chính và năng lực chuyên môn đi kèm để bảo lãnh cho các nguồn vốn vay ODA của các chủ doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với việc tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ODA, nên công bằng cho cả doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh, mục đích là hiệu quả và đảm bảo nguồn vốn vay.

Cũng có ý kiến cho rằng, khi khu vực tư nhân được tiếp cận tới nguồn vốn ODA trở nên bình thường, thì chắc chắn sẽ xuất hiện những khó khăn, phức tạp ít nhất trên các mặt sau đây: thể chế, cơ chế quản lý, thủ tục hành chính và năng lực con người - kể cả đối với các cơ quan quản lý nhà nước về ODA lẫn doanh nghiệp tư nhân sử dụng nguồn vốn này. Do vậy cần có chính sách, cơ chế, hệ thống thủ tục hành chính, kể cả chế độ giám sát cộng đồng đủ mạnh, minh bạch và có trách nhiệm mới bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng và sử dụng có hiệu quả cao vốn ODA của tất cả các thành phần kinh tế, công cũng như tư.

Trước sự “mở đường” của Ban Bí thư cho doanh nghiệp tư nhân trong việc được danh chính ngôn thuận tiếp cận với nguồn vốn ODA, giới chuyên gia cho rằng tỷ lệ giải ngân vốn ODA nhờ quyết định này sẽ cao lên đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là năng lực của doanh nghiệp tư nhân liệu có thể làm cho dư luận cũng như Chính phủ hoàn toàn yên tâm khi để họ tiếp cận, sử dụng nguồn vốn ODA có hiệu quả? 

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Góc nhìn doanh nhân: Để doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được vốn ODA
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO