Nghệ An

Gỡ vướng trong thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư

- Thứ Tư, 30/12/2020, 07:15 - Chia sẻ
Từ năm 2016, để thu hút các dự án đầu tư tại Nghệ An, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã có Nghị quyết 26/2016 về hỗ trợ đầu tư. Sau hơn 4 năm thực hiện, chính sách này đã tạo chuyển biến khi mang lại một số kết quả nhất định, qua đó hiện thực hóa các cam kết của tỉnh sau hội nghị xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã bộc lộ không ít bất cập khiến áp dụng chính sách này vô cùng khó khăn và vướng mắc.

Tạo chuyển biến về thu hút đầu tư

Một trong những điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết số 26/2016 là các dự án đầu tư vào địa bàn, dù trong hay ngoài khu kinh tế đều được hưởng các hỗ trợ ưu đãi về thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư; tuyên truyền quảng bá sản phẩm, hỗ trợ đào tạo lao động, san lấp mặt bằng; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào dự án… Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: Nhờ các ưu đãi của chính sách trên mà không chỉ các dự án đầu tư trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế Đông Nam mà các dự án ngoài khu kinh tế và địa bàn đặc biệt khó khăn có thêm động lực để kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn.

Mặt bằng giải tỏa cho dự án gạch Không nung tại KCN Hoàng Mai đã giải tỏa xong nhưng chưa có nhà đầu tư
Mặt bằng giải tỏa cho dự án gạch Không nung tại Khu công nghiệp Hoàng Mai đã giải tỏa xong nhưng chưa có nhà đầu tư

Tận dụng chính sách này, một số huyện, thành, thị như Vinh, Hoàng Mai, Diễn Châu, Nghi Lộc và một số địa phương vùng xa như Thái Hòa, Nghĩa Đàn… lâu nay chỉ trông chờ vào hỗ trợ đầu tư của ngân sách thì nay đã có thêm nguồn lực để thi công các hạng mục ngoài hàng rào, san lấp mặt bằng, đào tạo công nhân, chi phí hỗ trợ quảng bá sản phẩm, hình ảnh... Khi xây dựng chính sách trên, tỉnh dự trù mỗi năm khoảng 100 - 200 tỷ đồng chi hỗ trợ đầu tư và 5 năm khoảng 1.000 tỷ đồng. Sau gần 4 năm, một số địa phương và đơn vị, nhờ chủ động tiếp cận chính sách nên đã được hỗ trợ, qua đó có thêm kinh phí giải phóng mặt bằng, san lấp và đầu tư các hạng mục ngoài hàng rào các cụm công nghiệp nhỏ. Từ đó, góp phần giảm bớt áp lực cho đầu tư công và bảo đảm tiến độ triển khai các dự án trong khu và cụm công nghiệp như cam kết.

Báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng cho biết: sau 4 năm triển khai Nghị quyết 26, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 33 dự án, công trình của 24 doanh nghiệp, chủ đầu tư với tổng kinh phí là 122,032 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư là 596 triệu đồng/1 dự án của 1 doanh nghiệp; hỗ trợ san lấp mặt bằng 7,75 tỷ đồng cho 4 dự án của 4 doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào dự án 110,439 tỷ đồng cho 26 công trình, dự án do các công ty, Tổng đội thanh niên xung phong và UBND các huyện, xã làm chủ đầu tư; hỗ trợ đầu tư khác 3,247 tỷ đồng cho 2 dự án của 2 doanh nghiệp. 

Kết quả còn khiêm tốn

Mặc dù đạt được trên, nhưng so với nhu cầu và thực tế các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh thời gian qua, không khó để nhận ra các dụ án được hỗ trợ là quá khiêm tốn. Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị cho rằng, do vướng những quy định cứng tại Luật Đầu tư công, Nghị định số 46/2014 của Chính phủ về thuê đất trên nên Nghị quyết 26/2016 không thể quy định rộng hơn. Điều này khiến cho nhiều dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh chưa thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ. Thực tế, trong thời gian này, chỉ có dự án Tôn Hoa Sen tại thị xã Hoàng Mai đủ điều kiện để hỗ trợ, còn lại, trên 81% dự án đầu tư có quy mô nhỏ và vừa, dưới 100 tỷ đồng nên rất khó được hỗ trợ.

Thực tế, UBND tỉnh đặt mục tiêu dành mỗi năm khoảng trên dưới 200 tỷ cho hỗ trợ đầu tư nhưng thực tế kinh phí hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết 26/2016 hàng năm khá khiêm tốn, chỉ từ 25 - 32 tỷ đồng mỗi năm và chủ yếu hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào. Trong đó, chủ yếu tập trung vào nội dung hỗ trợ đầu tư các đường giao thông vào vùng nguyên liệu của các Công ty TNHH MTV và Tổng đội Thanh niên xung phong; hỗ trợ xây dựng hạ tầng các Cụm Công nghiệp… chưa chi được cho hoạt động đào tạo nghề và quảng bá sản phẩm, hình ảnh của doanh nghiệp.

Dự thảo sửa đổi Nghị quyết số 26 đề xuất: Để được hỗ trợ đầu tư, nếu dự án trong khu công nghiệp chỉ cần mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, tương đương với 100 triệu USD và sử dụng từ 2.000 lao động trở lên. Nếu dự án đầu tư ngoài khu kinh tế thì không giới hạn quy mô vốn và chỉ cần sử dụng 50 lao động trở lên nếu ở vùng đặc biệt khó khăn và 200 lao động trở lên nếu ở vùng có điều kiện khó khăn thì cũng được xem xét hỗ trợ về đào tạo 2 triệu đồng/lần/người.

Nghi Lộc là một trong những huyện có diện tích đất bị thu hồi lớn, như vậy nhu cầu đào tạo nghề để chuyển đổi việc làm cho lao động là rất lớn. Bình quân mỗi năm huyện mở từ 10 -12 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho khoảng trên 400 lao động bị thu hồi đất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện chưa hề nhận được nhận hỗ trợ đào tạo lao động theo Nghị quyết 26/2016. Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc Nguyễn Thanh Hải lý giải, do Nghị quyết quy định chủ đầu tư dự án đào tạo nghề, tuyển dụng xong và hồ sơ thì mới được hỗ trợ. Trong khi nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp thì không quan tâm đến khâu này; còn nhà đầu tư thứ cấp vào thuê đất lại không ràng buộc với về sử dụng lao động địa phương.

Tại Hoàng Mai, Diễn Châu và Quỳnh Lưu, một trong các địa phương đã thu hút được một số dự án đầu tư vào địa bàn thời gian qua nhưng tình hình cũng tương tự. Để triển khai, các địa phương thường thu hồi diện tích ít ảnh hưởng đến lao động nhất và doanh nghiệp phải ứng trước vốn đền bù, giải phóng mặt bằng, thậm chí đấu nối mở đường từ nhà máy ra đường lớn sau đó trừ dần vào tiền sử dụng đất.

Từ thực tế này, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Văn Quý kiến nghị: để chính sách hỗ trợ đầu tư có tính khả thi, cùng với giảm quy mô vốn đầu tư và số lao động địa phương, phải tập trung giải quyết chính sách hỗ trợ thật đơn giản, nhanh gọn thì doanh nghiệp mới hào hứng và chủ động tiếp cận. Đồng tình với kiến nghị này, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho rằng, trong bối cảnh đầu tư công hạn hẹp thì chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh nên tập trung vào làm tốt hạ tầng cảng biển và logistics. Có như vậy mới giải được vòng luẩn quẩn của khu kinh tế hiện nay là không có cảng biển nước sâu nên hàng hóa ít và ngược lại, vì hàng hóa ít nên thiếu vắng doanh nghiệp và ít nhà đầu tư cho cảng biển.

Bài và ảnh: Nguyễn Hải