Gỡ vướng trong áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc

- Thứ Hai, 11/10/2021, 05:37 - Chia sẻ
Kết quả 8 năm thực hiện Nghị định số 02/2014/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc cho thấy, bên cạnh những vướng mắc từ chính những quy định pháp luật thì còn nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn nhưng chưa được kịp thời điều chỉnh.
Khó xác định tiêu chí nơi cư trú trong lập hồ sơ đề nghị đưa vào trường giáo dưỡng
Nguồn: ITN

Vướng xác định cư trú

Một trong những vướng mắc lớn nhất mà đại diện các địa phương đề cập đó chính là xác định nơi cư trú của người đưa vào trường giáo dưỡng cơ sở giáo dục bắt buộc. Bởi đây là điều kiện quan trọng để xác định các bước khác trong quá trình cơ quan công an lập hồ sơ. Liên quan đến vấn đề này, Nghị định số 02/2014/NĐ-CP không quy định “nơi cư trú ổn định”, “không có nơi cư trú ổn định”, nhưng Thông tư 43/2014/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn: “Không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc nơi đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống tại đó và thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định”.

Thực tiễn cho thấy, đối với người có “không có nơi cư trú ổn định” để lập được hồ sơ thì ngoài không xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú thì phải có thêm yếu tố “thường xuyên đi lang thang” thì mới được xác định là “không có nơi cư trú ổn định”. Thực tế, có nhiều trường hợp không đăng ký thường trú hoặc tạm trú ở bất kỳ một nơi nào, không phải là đối tượng thường xuyên đi lang thang. Do đó, việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc gặp không ít khó khăn.

Đại diện Sở Công an tỉnh Hà Nam nêu khó khăn: Mặc dù Luật Cư trú quy định, nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú, còn nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi cư trú theo quy định nêu trên thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau mà nhiều công dân không đăng ký thường trú hoặc tạm trú, chính vì thế khi xác định nơi cư trú để lập hồ sơ thì cơ quan công an cũng không biết “lần” đối tượng hiện đang thường xuyên sinh sống ở đâu.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Công an Nghệ An cũng nêu vướng mắc theo quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính, sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc cơ quan lập hồ sơ phải thông báo về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện hợp pháp của họ để đọc hồ sơ, ghi chép nội dung cần thiết. Vậy nhưng, quy định này không thực hiện được vì người đại diện thường không đến (hiện không có chế tài gì) nên cơ quan công an không hoàn thiện hồ sơ đề nghị, hoặc họ lợi dụng việc được thông báo để bỏ trốn.

Theo thống kê của Bộ Công an, sau 8 năm thực hiện Nghị định số 02/2014,  tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào Trường giáo dưỡng  là 1.621 đối tượng, Cơ sở giáo dục bắt buộc là 3.056 đối tượng; Tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp đưa vào Trường giáo dưỡng là 1.474 đối tượng, Cơ sở giáo dục bắt buộc là 2.788 đối tượng (chiếm khoảng 91% tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị).

Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ

Một trong những vấn đề còn bỏ ngỏ lớn nhất là sau 8 năm nghị định này đi vào cuộc sống thì các bộ, ngành liên quan vẫn chưa thống nhất kinh phí tổ chức triển khai. Cụ thể, Điều 5, Nghị định số 02/2014/NĐ-CP quy định kinh phí lập hồ sơ, tổ chức đưa người vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, truy tìm người bỏ trốn… do ngân sách trung ương bảo đảm và được dự toán ngân sách hằng năm của Bộ Công an. Vậy nhưng Bộ Công an và Bộ Tài chính chưa thống nhất quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, nên địa phương chưa có hướng dẫn để thực hiện.

Trong khi đó thực tiễn đã phát sinh những tình huống mà nghị định này chưa dữ liệu hết. Đơn cử, chưa có hướng dẫn xử lý, trách nhiệm thông báo cho các cơ quan liên quan trong trường hợp người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc mà có hành vi vi phạm pháp luật, bỏ trốn, chết. Hay, việc giao cho cơ quan, tổ chức và gia đình quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc nhưng không được quy định, hướng dẫn tại Nghị định số 02/2014/NĐ-CP nên khó khăn trong quá trình thực hiện.

Điều đáng quan tâm, mặc dù Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 20/2016/NĐ-CP quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, đã quy định cụ thể về việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được vận hành trên thực tế, dẫn đến chưa có cơ chế để chia sẻ và cung cấp thông tin về các đối tượng xử phạt vi phạm hành chính, gây khó khăn trong việc xác định những trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính để làm căn cứ, điều kiện lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Nguyễn Minh