Gỡ vướng mắc về quản lý chi phí xây dựng

Hà Lan 19/08/2020 08:47

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 108/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Động thái này được kỳ vọng góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.

Nhiều đổi mới đột phá

Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình có hiệu lực từ ngày 1.10.2019, thay thế Nghị định 32/2015. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, Nghị định 68 có nhiều nội dung đổi mới, mang tính đột phá để bảo đảm quản lý chi phí đầu tư xây dựng công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ theo thị trường; góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, phòng chống thất thoát.

Trong số 9 điểm đổi mới đáng chú ý của Nghị định 68, trước hết phải kể tới việc bổ sung dự án PPP (đối tác công - tư) thuộc đối tượng áp dụng quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Điều này nhằm khắc phục tình trạng dự án BOT giao thông có tổng mức đầu tư cao hơn rất nhiều so với yêu cầu thực tế mà báo cáo kiểm toán chỉ ra. Bên cạnh đó, Nghị định 68 điều chỉnh một số nội dung về nguyên tắc, phương pháp xác định và cơ cấu khoản mục chi phí tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng. Các quy định này sẽ bảo đảm chi phí đầu tư xây dựng được tính đúng, tính đủ, nhất là các dự án có quy mô lớn.

Nhằm cắt giảm thời gian, chi phí và thủ tục, Nghị định 68 cho phép xác định được giá gói thầu xây dựng trên cơ sở dự toán được phê duyệt mà không cần thêm bước lập, thẩm định, phê duyệt lại dự toán gói thầu như trước. Nghị định 68 cũng quy định thời điểm điều chỉnh và phê duyệt lại tổng mức đầu tư phải thực hiện ngay tại thời điểm phát sinh chi phí. Nội dung này giúp tăng cường hiệu quả quản lý chi phí, tránh thực trạng hiện nay hầu hết dự án đều điều chỉnh và phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh tại thời điểm kết thúc dự án. Khi đó, thủ tục điều chỉnh và phê duyệt chỉ mang ý nghĩa hợp thức hóa.

Một điểm mới nữa là Nghị định 68 quy định việc sử dụng dự phòng phí và thẩm quyền điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng thuộc người quyết định đầu tư - nhằm khắc phục tình trạng chủ đầu tư lạm quyền, sử dụng dự phòng phí sai mục đích.

Các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 68 đến nay đã được ban hành đầy đủ. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, qua hơn 9 tháng triển khai, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, cập nhật, bổ sung và ban hành hơn 16 nghìn định mức dự toán để áp dụng chung; 45 tỉnh, thành phố đã xây dựng, công bố đơn giá nhân công và giá máy thi công; 18 tỉnh còn lại đều đã có văn bản hướng dẫn xử lý chuyển tiếp và đang khẩn trương tổ chức khảo sát, xây dựng đơn giá để công bố...

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Trong năm nay, phải hoàn thành rà soát định mức chuyên ngành

Tuy vậy, quá trình thực hiện Nghị định 68 còn một số khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số dự án, nhất là công trình xây dựng chuyên ngành. Nguyên nhân chủ yếu do một số bộ, địa phương chưa tập trung chỉ đạo, chưa dành nguồn lực thực hiện kịp thời, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ví dụ, trong Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng (Đề án 2038), Thủ tướng đã giao các bộ, ngành và địa phương thực hiện rà soát, bổ sung các định mức xây dựng chuyên ngành, đặc thù (hoàn thành trong quý IV.2018) làm tiền đề, căn cứ triển khai Nghị định 68. Tuy nhiên, một số bộ, ngành và địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ này, dẫn tới thiếu các định mức xây dựng chuyên ngành để phục vụ lập dự toán xây dựng theo phương pháp định mức, đơn giá cho một số công trình xây dựng chuyên ngành.

Tương tự, một số địa phương chưa hoàn thành việc điều tra, khảo sát để xác định, công bố đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công trên thị trường, công tác điều tra, khảo sát cũng phải tạm dừng thực hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy dẫn tới thiếu cơ sở về giá phục vụ cho công tác lập tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu xây dựng, giá gói thầu xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn (hoặc đi qua) một số tỉnh, thành.

Tại các hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay, nhiều ý kiến phản ánh sự thay đổi về cơ chế, chính sách trong Nghị định 68 và những vướng mắc kể trên đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thực hiện dự án. Trước tình hình này, trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng, ngày 17.7 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 108/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 68.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ quản lý xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh phải tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm Nghị định 68, hệ thống công cụ về định mức và giá xây dựng và các Thông tư hướng dẫn; tổ chức thực hiện đồng bộ, đầy đủ và kịp thời có hiệu quả các nhiệm vụ đã được phân công, phân cấp tại Nghị định 68, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Cụ thể, cần hoàn thành việc rà soát ban hành hệ thống định mức xây dựng trước ngày 31.12.2020 cho các công việc chuyên ngành, đặc thù của bộ, địa phương (ngoài các công việc thuộc hệ thống định mức Bộ Xây dựng đã ban hành). Thực hiện công bố đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công theo quy định tại Nghị định 68 trước ngày 30.9.2020 làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Trong thời gian chưa kịp thực hiện khảo sát, lấy số liệu, UBND cấp tỉnh ban hành hướng dẫn việc áp dụng đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công trên cơ sở dữ liệu hiện có theo các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định.

Nghị quyết 108 được kỳ vọng sẽ giải quyết các nút thắt trong quá trình thực hiện Nghị định 68, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, không trái với các nguyên tắc về quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Nghị định 68.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Gỡ vướng mắc về quản lý chi phí xây dựng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO