Tránh đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm
Trả lời câu hỏi về việc giải quyết các trụ sở, tài sản công, nhất là tài sản dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc cho biết: đến thời điểm này, tổng số cơ sở nhà đất dôi dư chưa hoàn thành xử lý trên địa bàn tỉnh là 245 cơ sở. Sở đã tham mưu thành lập tổ công tác để trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc xử lý đối với các trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp các cơ quan, đơn vị sự nghiệp Nhà nước và đơn vị hành chính cấp huyện, xã… Các địa phương cũng cần chủ động, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xử lý các cơ sở nhà đất thuộc phạm vi do địa phương quản lý; rà soát để xây dựng phương án xử lý trình cấp thẩm quyền phê duyệt đối với các cơ sở chưa có phương án xử lý. Đối với các cơ sở nhà đất (hình thức xử lý không còn phù hợp) thì đề xuất phương án xử lý phù hợp với nhu cầu, hiện trạng và các quy định hiện hành…
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Đặng Trần Phong về giải quyết các trụ sở của cơ quan Trung ương không còn nhu cầu sử dụng, Giám đốc Sở Tài chính cho hay: toàn tỉnh hiện có 35 cơ sở cũ của bộ, ngành Trung ương (đã giải quyết 15 cơ sở, còn 20 cơ sở chưa được xử lý). Theo quy định, nhà, đất thuộc cơ quan Trung ương phải được đơn vị trình bộ, cơ quan Trung ương chủ quản và Bộ Tài chính hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp nhà đất; UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có trách nhiệm phối hợp và tham gia ý kiến theo đề nghị của các bộ, ngành.
Do vậy, việc xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc nhóm này phụ thuộc phần lớn vào tiến độ phê duyệt phương án và xử lý của các cơ quan Trung ương. Điều này dẫn đến một số cơ sở nhà, đất, mặc dù địa phương đã đôn đốc, phối hợp và có văn bản có ý kiến kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn chậm trễ trong phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý, ông Trịnh Văn Ngọc lý giải.
Trước đề nghị làm rõ hơn các giải pháp xử lý tài sản dôi dư cấp địa phương quản lý của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh, Giám đốc Sở Tài chính đã dẫn các văn bản pháp luật làm căn cứ để giải quyết các tài sản công; đồng thời, cho biết việc xử lý đối với tài sản dôi dư liên quan đến nhiều quy định, quy trình khác nên quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc…
Trước mắt, Sở tiếp tục bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, rà soát bộ thủ tục, phối hợp các ngành liên quan lồng ghép quy định mới; rà soát xây dựng phương án từng hồ sơ xử lý vướng mắc và có lộ trình hàng năm. Đồng thời, phát huy vai trò tổ công tác để trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo việc xử lý đối với các trụ sở, tài sản công dôi dư do sắp xếp các cơ quan, đơn vị sự nghiệp Nhà nước và đơn vị hành chính cấp huyện, xã - ông Ngọc nêu rõ.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng đề nghị UBND tỉnh rà soát việc xử lý các trụ sở, tài sản công dôi dư và trách nhiệm tham mưu của các sở, ngành; tránh đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm… Đồng thời, tiếp tục kiến nghị với Chính phủ sửa đổi các quy định về xử lý tài sản công dôi dư sát với thực tiễn…
Kiên quyết thu hồi, chấm dứt dự án không khả thi
Liên quan đến việc các dự án chậm tiến độ kéo dài, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Việt Hà cho biết: toàn tỉnh có 240 dự án (ngoài khu du lịch Xuân Thành) và 73 dự án tại khu du lịch Xuân Thành cần tiến hành xử lý… Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thực hiện chặt chẽ, hiệu quả công tác thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư; nâng cao chất lượng công tác lập, điều chỉnh quy hoạch; phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư.
Trả lời chất vấn của đại biểu Hà Thị Việt Ánh về các dự án tồn đọng ở huyện Cẩm Xuyên, ông Trần Việt Hà thông tin: dự án Tre Nguồn có một số hạng mục chưa phù hợp quy hoạch, chậm tiến độ… UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo xử lý. Thanh tra, Cục thuế tỉnh đã kiểm tra và thấy, doanh nghiệp đang nợ tiền thuê đất trước khi làm thủ tục chấm dứt dự án (đến nay đã nộp ngân sách). Tháng 6 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các đơn vị làm việc với nhà đầu tư và thống nhất nộp tiền thuê đất, làm thủ tục chấm dứt dự án trước ngày 30.7.2024.
Với dự án đầu tư xây dựng chợ, khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp Cẩm Xuyên (giai đoạn 1 đi vào hoạt động): đối với giai đoạn 2 (chậm triển khai), thanh tra sở đã kiểm tra và xử phạt. Vừa qua, Sở đã làm việc với nhà đầu tư và sẽ sớm chấm dứt dự án giai đoạn 2… Đối với dự án nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở xã Yên Hòa, hiện đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận về môi trường và Sở Xây dựng đã phê duyệt quy hoạch. Tới đây, Sở sẽ kiểm tra và làm việc với nhà đầu tư, các đơn vị liên quan để thống nhất phương án xử lý để báo cáo UBND tỉnh.
Trước câu hỏi của đại biểu Lê Thành Đông về dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cổng Khánh 1 (thị xã Hồng Lĩnh) tồn đọng, trở thành “điểm nghẽn” trong phát triển của địa phương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: 2 năm nay, việc triển khai dự án gặp khó khăn vì giá thuê đất ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện. Để tháo gỡ, UBND tỉnh đã có quyết định điều chỉnh giá thuê đất để đẩy nhanh thủ tục thực hiện…
Chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND tỉnh tập trung rà soát các dự án; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư; xử lý các dự án chậm tiến độ; kiên quyết thu hồi, chấm dứt những dự án không khả thi.