Gỡ nút thắt về môi trường đầu tư

- Thứ Bảy, 10/04/2021, 06:16 - Chia sẻ
Kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của Covid-19; tuy nhiên không hiếm chính sách còn khó tiếp cận và vẫn còn nhiều chính sách chưa được doanh nghiệp biết đến là những điểm nhấn trong báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI ); Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vừa công bố.

Phản hồi từ 10.197 doanh nghiệp, trong đó có 8.633 doanh nghiệp tư nhân và 1.564 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã khẳng định: Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, dù ngân sách nhà nước rất eo hẹp, nhưng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động do dịch Covid-19. Ngay từ thời kỳ đầu dịch bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4.3.2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19.

Sau đó, là một loạt các văn bản như: Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8.4.2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP ngày 9.4.2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg... Để thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg, các bộ ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và ban hành khoảng 95 văn bản về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Phản hồi cho thấy một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất. Về tính hữu ích của các chính sách, có ba chính sách được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất bao gồm gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng, gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và gia hạn nộp tiền thuê đất. Dù các doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận chính sách vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá cao sự cần thiết của chính sách này. Nhìn chung, doanh nghiệp nào dễ tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ hơn, thì có xu hướng đánh giá mức độ hữu ích của chính sách cao hơn.

Với tư cách là đối tượng hưởng lợi, doanh nghiệp đã có nhiều đề xuất nhằm đưa các chính sách hỗ trợ tiếp tục đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, bên cạnh các giải pháp trực tiếp đã được ban hành như miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cũng đề cập đến những giải pháp có tính lâu dài hơn như tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi…

Đáng lưu ý, khá nhiều doanh nghiệp quan tâm đến cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh. Có thể thấy, nếu như các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận tín dụng có dư địa không nhiều vì những giới hạn ngân sách thì những giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhìn chung dễ thực hiện hơn và vốn đã được thúc đẩy trong những năm gần đây.

Từ thực tiễn triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy tầm quan trọng của việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19; đồng thời cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.

Đối với các chính sách đã ban hành, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19.

Nguyễn Minh