Gỡ “nút thắt” nhà ở cho công nhân

- Thứ Ba, 07/12/2021, 05:33 - Chia sẻ
Một trong những vấn đề được các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội quan tâm trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 vừa qua, đó là cần có chính sách để thu hút, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động. Bởi đây cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng để bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, nhu cầu về nhà ở cho công nhân đã trở thành vấn đề bức thiết hơn bao giờ hết. Trong nhiều khu công nghiệp, số đông người lao động vẫn chưa có nhà ở, phải đi thuê trọ trong những căn hộ chật hẹp. Với mức thu nhập như hiện nay của công nhân dao động từ 5 - 8 triệu đồng/tháng, để có thể sở hữu được căn nhà ở xã hội là ước mơ khá xa vời. Đó là chưa kể, ở thời điểm hiện tại, nguồn cung về nhà ở đối với công nhân lao động so với nhu cầu vẫn còn rất khiêm tốn.

Hiện nay, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 142.000 căn; đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn. Trong đó, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ; đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ. Tuy nhiên, số lượng nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp vẫn còn rất ít so với nhu cầu. Đáng nói là, từ đầu năm 2021 đến nay chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân được hoàn thành bàn giao. Thực tế này cho thấy, để công nhân lao động tiếp cận được với nhà ở xã hội không phải là điều dễ dàng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong triển khai các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân. Trong đó, có sự chưa thống nhất trong các quy định pháp luật về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp vẫn còn thiếu. Ngoài ra, một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; chưa quan tâm cho đầu tư phát triển nhà ở dành cho công nhân khi lập quy hoạch đầu tư xây dựng khu công nghiệp...

Những vướng mắc này thực sự đã trở thành rào cản đối với công nhân khi muốn tiếp cận được nhà ở xã hội. Để tháo gỡ vướng mắc này rất cần những thay đổi về chính sách pháp luật. Trên diễn đàn Quốc hội, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó, tách riêng chính sách về nhà ở cho công nhân để thu hút đầu tư xây dựng, tạo cơ chế để công đoàn là chủ thể tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân. Có chính sách và gói hỗ trợ thúc đẩy đầu tư xây dựng, cải tạo nhà ở cho công nhân lao động thuê, mua. Cùng với đó, ban hành quy định về tiêu chuẩn tối thiểu phòng trọ, giúp công nhân an cư, lạc nghiệp.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 được tổ chức ngày 5.12, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: phải xúc tiến chương trình bảo đảm chỗ ở cho người lao động, có an cư mới an tâm, mới không xảy ra tình trạng hàng triệu người rời bỏ các địa phương như vừa rồi. Ông Công cho rằng, doanh nghiệp sẵn sàng làm việc này nhưng cần cơ chế, chính sách của Nhà nước, các điều kiện ưu đãi để tạo dựng chỗ ở ổn định, lâu dài cho người lao động. Còn GS.TS Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, hiện chúng ta đang thiếu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, do đó, để dòng tiền đầu tư vào các công trình này chính là cơ hội cho đầu tư phát triển thay vì tạo ra “bong bóng” (tiền đẩy sang đầu cơ, làm cho giá bất động sản, chứng khoán tăng lên).

Những đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, ĐBQH trong việc tạo dựng cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân là điều rất cần thiết vào lúc này. Do đó, cần sớm hoàn thiện thể chế pháp luật, nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 và các luật khác có liên quan. Trong đó có cơ chế, chính sách riêng về khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Cùng với đó, có quy định thông thoáng hơn về điều kiện được thuê nhà công nhân; và đặc biệt là cần có các cơ chế ưu đãi về tín dụng, thuế... đủ sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp. Đây chính là “gói cứu trợ” đặc biệt mà cộng đồng doanh nghiệp cũng như công nhân lao động đang rất chờ đợi.

Song Hà