Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Vũ Quang 19/01/2022 06:11

Năm 2021, xuất khẩu của cả nước tăng 19% so với năm 2020 nhưng của TP. Hồ Chí Minh chỉ tăng 1%. Tại hội thảo “Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh Covid-19” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 18.1, các doanh nghiệp đề xuất giảm bớt thủ tục hải quan và cải thiện hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia… để thúc đẩy xuất khẩu.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Các thị trường chủ lực đều sụt giảm

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, dù thành phố đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhưng do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, hầu hết chỉ tiêu kinh tế trong năm qua đều giảm so với năm 2020.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đạt 44,9 tỷ USD, chỉ tăng hơn 1%. Hầu hết thị trường xuất khẩu chủ yếu kim ngạch đều giảm như: Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và EU giảm 0,8%… Các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn cũng giảm so với cùng kỳ.

Hiện nay, dù công tác kiểm soát dịch bệnh đang được triển khai tốt với kết quả ngày càng khả quan; các doanh nghiệp đang từng bước khắc phục khó khăn, linh hoạt thích ứng trong điều kiện “bình thường mới”, nhưng theo đại diện Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, nhìn chung hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp khó có thể sớm phục hồi do gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, lao động, sức ép chi phí đầu vào gia tăng và sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào…

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, 2 khó khăn lớn nhất hiện nay khiến doanh nghiệp thận trọng khi nhận đơn hàng mới là giá nguyên phụ liệu sản xuất tăng 15 - 40% so với trước dịch và phí dịch vụ hậu cần (logistics) tăng cao. “Doanh nghiệp xuất khẩu rất khó đẩy giá sản phẩm tăng tương ứng do hầu hết các đơn hàng đã ký trước, đồng thời phải duy trì tính cạnh tranh khách hàng và tạo việc làm cho người lao động”, bà Chi chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Cường xác nhận, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ những khó khăn của hoạt động hàng hải quốc tế. Đó là, giá cước tàu tăng cao và liên tục lập kỷ lục mới, thiếu rỗng, thiếu chỗ trên tàu, tình trạng kẹt cảng trên thế giới làm cho tổng hành trình của mỗi tàu đều kéo dài, thiếu hụt nguyên liệu sản xuất… 

Tăng cải cách, giảm thủ tục

Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9,5%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025 và 9%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Kim ngạch xuất khẩu của thành phố đến năm 2025 ước đạt 70 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 108 tỷ USD.

Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, để đạt mục tiêu này có rất nhiều việc phải làm. Ví dụ, Chính phủ cần sớm ban hành Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế với các chính sách được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của doanh nghiệp và có tính khả thi cao; phát triển chuỗi dịch vụ logistics, hệ thống kết nối dữ liệu, thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam…

Trong lĩnh vực hải quan, cần tiếp tục cải cách và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần được đẩy mạnh, nhất là trong định hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dịch vụ xuất khẩu của cả vùng phía Nam. “Cần đẩy mạnh việc tham gia và thực hiện các thủ tục về thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại như tăng cường ký kết các thỏa thuận hợp tác hoặc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và các nước đối tác có hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt, cần giảm bớt các thủ tục hải quan”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đề xuất.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sau dịch bệnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Cường đề nghị, các cảng thuộc sự quản lý của hải quan TP. Hồ Chí Minh cần được xem là một thể thống nhất. Từ đó, tạo điều kiện cho thúc đẩy luân chuyển linh hoạt luồng hàng giữa các cảng thay vì các thủ tục phức tạp khi chuyển đổi chi cục Hải quan cửa khẩu trên manifest (hệ thống tiếp nhận bản khai báo hàng hóa cùng những chứng từ, giấy tờ của lô hàng dùng để thông quan đối với tàu xuất nhập cảnh - PV). Cùng với đó, tiếp tục đầu tư và cải thiện hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) cho nhập khẩu và xuất khẩu. Tính đến tháng 5.2021, hơn 3,08 triệu tài liệu có được xử lý bằng hệ thống NSW. Tuy nhiên, hệ thống NSW vẫn chưa hoàn thiện và nhiều thủ tục chưa được đưa vào hệ thống. Theo ông Cường, nhiều thời gian hơn dành cho các thủ tục như vậy dẫn đến tăng chi phí cho các công ty, và do đó làm giảm lợi thế chi phí và khả năng cạnh tranh.

Phát biểu tại hội thảo, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết, Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. USAID thông qua Dự án Tạo thuận lợi thương mại” (Dự án USAID TFP) luôn xem TP. Hồ Chí Minh là đối tác chiến lược trong các hoạt động tạo thuận lợi thương mại.

Mục tiêu tổng thể của Dự án USAID TFP là cải cách, chuẩn hóa, hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phù hợp với các chuẩn mục quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO TFA) và chủ trương của Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thời gian qua, dự án USAID TFP đã triển khai các báo cáo “Cải thiện hoạt động thương mại và logistics tại cảng Cát Lái và khu vực lân cận tại TP. Hồ Chí Minh”; tổ chức các hoạt động đào tạo liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO