Gỡ khó chuyển giao khoa học, công nghệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đoàn giám sát số 13 của HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa có buổi làm việc với đại diện nhiều sở, ngành, đơn vị liên quan đánh giá tình hình triển khai Chương trình 1747/QĐ-TTg về hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH và CN) tại vùng nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2020 – 2024.
Cuộc làm việc đã chỉ ra nhiều vướng mắc về cơ chế tài chính, nhân lực, sự phối hợp liên ngành... cần giải quyết để chương trình phát huy hiệu quả và nhân rộng trên địa bàn.
Chú trọng chuyển giao công nghệ cơ bản, sát nhu cầu
Theo báo cáo của Sở KH và CN tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2020 – 2024, toàn tỉnh đã triển khai 6 dự án thuộc Chương trình 1747, với 4 dự án đang được thực hiện và 2 dự án đã dừng triển khai. Các mô hình ứng dụng tiến bộ KH và CN đã mang đến những tác động tích cực cho các địa phương còn nhiều khó khăn. Nhiều mô hình đã được chuyển giao thành công, góp phần đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên cơ sở và tổ chức các buổi tập huấn cho hàng trăm nông dân, trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng mới trong sản xuất.

Việc người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang hướng hiện đại, khoa học hơn; góp phần quan trọng nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm ngay tại địa phương, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, nơi trước đây người dân còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận khoa học kỹ thuật. Chương trình cũng chú trọng chuyển giao công nghệ cơ bản, sát với nhu cầu thực tế, sử dụng các kỹ thuật đơn giản, dễ áp dụng.
Đáng ghi nhận, chương trình đã hỗ trợ tập huấn cho người dân bằng ngôn ngữ địa phương, giúp họ dễ dàng tiếp thu kiến thức mới. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu vùng thông qua các chương trình OCOP và nhãn hiệu tập thể cũng được chú trọng, tạo thêm giá trị cho nông sản địa phương, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Gỡ vướng về cơ chế tài chính, nhân lực
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát và đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan đều thống nhất đánh giá cao vai trò quan trọng của Chương trình 1747 trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập và khó khăn trong quá trình triển khai chương trình.
Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là cơ chế tài chính, đặc biệt là nguồn vốn đối ứng từ địa phương còn gặp nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng khi các dự án thuộc chương trình kết thúc, không có đủ kinh phí để tiếp tục duy trì các mô hình đã xây dựng, nhân rộng các kết quả thành công ra diện rộng.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật tại cơ sở còn mỏng về số lượng, phần lớn cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, dẫn đến tình trạng thiếu chuyên môn sâu trong lĩnh vực chuyển giao khoa học công nghệ. Trình độ tiếp thu KH và CN của một bộ phận người dân, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS vẫn còn hạn chế.
Cần giải pháp đồng bộ nhân rộng hiệu quả
Các thành viên đoàn giám sát cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cơ chế phối hợp liên ngành, giữa chính quyền địa phương các cấp rõ ràng và chặt chẽ hơn trong triển khai chương trình. Cần có sự tính toán kỹ lưỡng về lộ trình nhân rộng các mô hình thành công theo hướng phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, gắn kết chặt chẽ với các khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường. Việc tăng cường liên kết giữa “4 nhà” trong quá trình thực hiện và nhân rộng các mô hình, đề tài nghiên cứu khoa học cũng được đánh giá là yếu tố then chốt bảo đảm tính bền vững và hiệu quả của chương trình.
.png)
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Lê Văn Cường - Trưởng đoàn giám sát số 13 ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị liên quan trong việc triển khai Chương trình 1747 tại địa phương. Đồng thời, mong muốn Sở KH và CN tăng cường hơn nữa sự phối hợp, xây dựng kế hoạch ứng dụng khoa học công nghệ một cách trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH và CN đến người dân, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng kiến nghị, UBND tỉnh và sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật tại cơ sở. Qua đó, giúp họ có đủ trình độ và kỹ năng để thực hiện tốt công tác chuyển giao công nghệ.