“Gỡ khó” cho xuất khẩu sầu riêng
Trung Quốc vừa phê duyệt thêm hàng trăm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu; tuy nhiên, tiêu thụ sầu riêng vẫn gặp khó khi vụ thu hoạch chính đang đến. Cùng với các biện pháp kiểm soát chất lượng từ vườn, xây dựng dữ liệu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói…, hôm nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị tại Đắk Lắk nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng hiệu quả, bền vững.
Mở rộng mã số là bước tiến lớn
Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Với đợt phê duyệt này, tổng số mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã tăng lên lần lượt 1.396 và 188.
Đây là bước tiến quan trọng trong nỗ lực mở rộng quy mô xuất khẩu chính ngạch mặt hàng sầu riêng, một trong những nông sản chủ lực của Việt Nam sang thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới; từ năm 2022, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng. Theo đó, định kỳ 3 tháng/lần, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tập hợp hồ sơ đề xuất từ các địa phương để gửi GACC xem xét. Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2023, Trung Quốc chưa phê duyệt thêm mã số mới nào, khiến lần cập nhật này càng có ý nghĩa đặc biệt.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu của phía Trung Quốc, đặc biệt là kiểm soát tồn dư cadimi, chất cấm vàng O và truy xuất nguồn gốc vùng trồng. Việc mở rộng danh sách mã số sẽ giúp gia tăng sản lượng xuất khẩu trong vụ mùa 2025, đồng thời giảm áp lực lên các vùng trồng, cơ sở đã được cấp phép trước đó, và điều phối tốt hơn luồng hàng qua các cửa khẩu, hạn chế ùn ứ.
Tuy nhiên, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh rằng, để tận dụng được cơ hội này, các địa phương, doanh nghiệp và người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định kỹ thuật của thị trường nhập khẩu. "Người trồng cần thực hiện đúng quy trình canh tác an toàn, tuyệt đối không sử dụng hóa chất cấm, ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất và nâng cao ý thức trong việc bảo vệ mã số vùng trồng. Chỉ có như vậy mới duy trì được kênh xuất khẩu chính ngạch và phát triển bền vững thương hiệu sầu riêng Việt Nam", ông nói.

Nỗ lực chuẩn hóa sản xuất, kiểm soát toàn diện
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, vụ sầu riêng năm 2025 đã bước vào mùa thu hoạch chính, với sản lượng ước tính lên tới 1,7 triệu tấn; tuy nhiên, xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn do quy định mới từ phía Trung Quốc.
Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được 35.000 tấn sầu riêng, đạt khoảng 20% kế hoạch và giảm hơn 44.000 tấn so với cùng kỳ năm 2024, tương đương mức giảm khoảng 370 triệu USD kim ngạch. Nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm, yêu cầu 100% lô hàng sầu riêng từ Việt Nam phải có giấy kiểm nghiệm không tồn dư cadimi và vàng O - hai chất có thể gây ung thư; xuất khẩu sụt giảm kéo theo giá sầu riêng trong nước giảm mạnh, hiện chỉ còn 40.000 - 50.000 đồng/kg tại vườn, trong khi cùng kỳ năm ngoái dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Trước tình hình này, thời gian qua, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đề nghị của Cục, hiện đã có 12 phòng kiểm nghiệm Carbendazim và 8 phòng kiểm nghiệm Ethofumesate được phía Trung Quốc công nhận để phục vụ việc kiểm tra, kiểm soát các kim loại nặng, chất vàng O và cadimi phục vụ xuất khẩu. Cục cũng đang đề nghị phía Trung Quốc phê duyệt thêm 16 phòng thử nghiệm, đồng thời siết chặt giám sát các phòng được cấp phép.
Bên cạnh đó, Cục bố trí cán bộ tại cửa khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kiểm dịch, rút ngắn thời gian thông quan; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nông dân về quy trình canh tác và sử dụng phân bón, vật tư nông nghiệp đúng cách.
Đặc biệt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, Cục đã xây dựng quy trình canh tác chuẩn, ban hành tiêu chuẩn kiểm soát an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật trong suốt chuỗi sản xuất, từ trồng trọt đến đóng gói. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, nhằm theo dõi thông tin sản xuất, quy trình kỹ thuật, sản lượng, chất lượng và truy xuất nguồn gốc toàn diện. Một dự thảo thông tư quản lý sầu riêng từ sản xuất đến xuất khẩu cũng đang được xây dựng, cùng với công điện trình Chính phủ về giải pháp tổng thể nhằm mở rộng thị trường.
Liên quan đến kiểm soát cadimi, ông Đạt cho biết dư lượng kim loại nặng xuất hiện chủ yếu do đất bị ô nhiễm hoặc lạm dụng phân bón và vật tư đầu vào. Cục đã triển khai 7 mô hình cải tạo tại Tiền Giang, áp dụng các giải pháp như dùng phân sinh học, biochar, vi sinh và luân canh cây hấp thụ kim loại nhằm chuẩn hóa quy trình canh tác, loại bỏ tồn dư cadimi. Kết quả mô hình sẽ được nhân rộng, kết hợp với chương trình giám sát an toàn thực phẩm và bản đồ phân bố kim loại nặng. Cục cũng đang xây dựng bản đồ dinh dưỡng đất dành riêng cho cây sầu riêng, giúp người dân chọn được vùng đất trồng phù hợp để trái sầu riêng đạt chất lượng cao nhất.
Về chất cấm vàng O và Ethofumesate, Cục đã phối hợp với công an xử lý vi phạm, yêu cầu các cơ sở đóng gói tiến hành vệ sinh toàn diện và cam kết không sử dụng bất kỳ chất nhuộm màu nào trong quá trình xử lý sầu riêng.
Hôm nay (24/5), Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị tại Đắk Lắk nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu sầu riêng. Sau hàng loạt các biện pháp đồng bộ đã được triển khai, đây là một bước đi nữa cho thấy quyết tâm của Bộ trong việc thúc đẩy ngành hàng này phát triển hiệu quả, bài bản và bền vững.