Gỡ khó cho đồng bằng sông Cửu Long

- Thứ Ba, 19/10/2021, 15:54 - Chia sẻ
Ngày 19.10, tại UBND TP Cần Thơ và các UBND các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau đã diễn ra Hội nghị trực tuyến nhằm phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả quyết định 128/NQ-CP của chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiểu quả dịch Covid-19” và liên kết, phối hợp phòng chống dịch covid-19, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố khu vực Nam Sông Hậu

Nguy cơ tái nghèo tăng cao

Theo Chủ tịch UNND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, dịch Covid-19 kéo dài đã khiến trên 70% doanh nghiệp tại khu vực Nam sông Hậu thuộc tỉnh dừng sản xuất và đang đối diện với nguy cơ thiếu hụt lao động. Hiện chỉ có 30% doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ hải sản còn hoạt động nhưng cũng vô cùng khó khăn vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động được 30-50% số lượng lao động, công suất trung bình chỉ còn 40-50% so với trước đây. Ngành lữ hành, du lịch lưu trú và ăn uống chịu tác động vô cùng nghiêm trọng, kéo dào từ 2019 đến nay, công suất phòng chỉ đạt 15%, nhiều cơ sở sau thời gian hoạt động cầm chừng phải đóng cửa Đại diện lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng cho biết: các mặt hàng ngư, nông, lâm nghiệp bị tác động nặng nề, đặc biệt là các mặt hàng thuỷ sản tươi sống. Việc vận chuyển bin ách tắc nên thiếu đầu vào nguyên liệu, đầu ra phải lưu kho đến 40%, chi phí bảo quản tăng cao, giá tiêu thụ nông sản giảm từ 20-50%. Chi phí vận chuyển tăng cao do phát sinh thêm chi phí xét nghiệm, kéo dài thời gian vận chuyển. Cơ hội tìm việc làm của người lao động bị hạn chế, đối với những người bị giảm, hoãn, ngừng việc, mất việc đời sống, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ tái nghèo, nghèo phát sinh sẽ tăng cao trong năm 2021.

Liên kết mở dường cho nông sản đi muôn nơi

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thẳng thắn thừa nhận, do tác động của đại dịch, trong bối cảnh chưa có giải pháp chung thích ứng phù hợp, mỗi địa phương đều có giải pháp riêng nhằm khoanh vùng, kiểm soát, dập dịch, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của cả khu vực có thể nói là “gần như bị đóng băng”. Trong đó nổi lên là vấn đề lưu thông, cung ứng hàng hóa liên tỉnh, việc không thống nhất, đồng bộ trong việc kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hóa đường bộ và đường thủy gây cản trở lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng ĐBSCL, cũng như từ vùng đến thành phố Hồ Chí Minh, chuỗi sản xuất-tiêu thụ bị đứt gãy, chi phí vận chuyển tăng, làm giá thành nông sản, thủy sản tăng cao.

Thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ, trong 9 tháng năm 2021, vùng ĐBSCL chỉ có 6.109 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chỉ bằng 34% cùng kỳ năm ngoái, chỉ đứng trên vùng Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc. Thống kê cho thấy, qua 3 tháng chống chọi với dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu của cả vùng trong quý III chỉ đạt 6,64 tỷ USD, giảm 27%  so với cùng kỳ năm 2020, riêng tháng 8 và 9 là 2 tháng có kim ngạch xuất khẩu toàn vùng chỉ đạt trên 1 tỷ USD, thấp nhất từ đầu năm đến nay do nhiều doanh nghiệp phải tạm đóng cửa.

Liên kết để tránh thừa và thiếu

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ rõ: “Khi chuỗi cung ứng sản phẩm của vùng ĐBSCL đến các vùng khác và xuất khẩu sang các nước bạn bị ảnh hưởng, thì vấn đề tiêu thụ nội vùng bộc lộ các điểm yếu mà chúng ta đã sớm nhìn ra, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được triệt để, đó là vấn đề “thừa nhưng vẫn thiếu”, thừa vì các tỉnh trong vùng có quá nhiều các sản phẩm mang tính tương đồng, từ nông sản, thủy sản, đến sản phẩm dịch vụ du lịch… nhưng thiếu tính hệ thống đồng bộ liên kết hợp trong khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm chung của vùng.

Dịch bệnh khiến tôm cá rớt giá thê thảm

UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất, ngoài 6 lĩnh vực hợp tác đã được bàn bạc trước là y tế, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, thông tin và truyền thông, giao thông vận tải, lao động việc làm, các tỉnh cần phải liên kết về lĩnh vực giáo dục. Trong đó. Trong lĩnh vực y tế, các tỉnh cần chia sẻ thông tin về tình hình và cấp độ dịch giữa cấp tỉnh; cấp huyện và có thể xã giáp ranh trong khu vực. Hợp tác, chia sẽ về kinh nghiệm trong triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; khả năng huy động, hỗ trợ nhân, vật lực, kể cả vaccine giữa các địa phương. Trong lĩnh vực giao thông vận tải  các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp hướng dẫn doanh nghiệp,  HTX vận tải hoạt động theo quy định hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đảm bảo lưu thông được thông suốt.  Đối với các tỉnh còn duy trì chốt kiểm soát, đề nghị chỉ kiểm soát về phòng chống dịch.

Đối với việc liên kết tiêu thụ, thúc đẩy thương mại dịch vụ, cần thống nhất các điều kiện chung, tạo thuận lợi cho nhân dân trong khu vực qua lại mua bán, trao đổi giao thương hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản. Hợp tác, chia sẻ đầu mối tiêu thụ sản phẩm, nhất là các nhà máy chế biến để có thể liên kết tiêu thụ sản phẩm của các địa phương đang vào mùa thu hoạch. Đối với ngành du lịch, đề xuất thực hiện theo hợp tác, liên kết phát triển du lịch Cụm phía Tây đồng bằng sông Cửu Long năm 2021 và Thỏa thuận hợp tác về Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Trong lĩnh vực giáo dục, bổ sung nội dung hợp tác tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh tại các vùng giáp ranh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng. Đối với lĩnh vực lao động, giải quyết việc làm, cần sự hợp tác, chia sẽ giữa các địa phương trong thu hút lao động, tạo việc làm cho nhân dân trong khu vực.

Cùng với đó, lãnh đạo các tỉnh thành thống nhất cao việc lập group zalo lãnh đạo tỉnh và thành lập đường dây nóng để thông tin và giải quyết kịp thời  các tình huống đột xuất và các phát sinh mới trong thực tế.

.
Vũ Châu