Trên 2.000 doanh nghiệp tham gia ngành điện tử
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân cho biết, với sự hiện diện của các nhà máy sản xuất đến từ các công ty đa quốc gia như Samsung, Foxconn, Intel..., Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu ngành hàng điện tử hàng đầu trên thế giới. Năm 2020, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ 12 trên thế giới từ vị trí thứ 47 vào năm 2001 và đứng thứ 3 trong ASEAN về xuất khẩu ngành điện tử.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 2.000 doanh nghiệp tham gia vào ngành điện tử chiếm 54,8% và FDI chiếm 45,2%; tỷ lệ doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp khá cao (31%) và chủ yếu là doanh nghiệp FDI. Từ năm 2013 đến nay, tổng giá trị xuất khẩu hàng năm đã vượt ngưỡng con số 30 tỷ USD.
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), năm 2023, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ nhất trong 7 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 57,3 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 52,4 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 43,1 tỷ USD; dệt may đạt 33,3 tỷ USD; giầy dép đạt 20,2 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 14,2 tỷ USD. Bình quân cả giai đoạn 2011 - 2023 tăng 23,8%.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 39,59 tỷ USD, chiếm tới 17% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước và tăng 29,1% (tương ứng tăng 8,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Không thể phủ nhận về những thành tựu của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong những năm qua; khi Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động, đứng thứ 5 về xuất khẩu máy tính và linh kiện, theo báo cáo của World Trade Report. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.
Tỷ lệ nội địa hóa thấp
Thực tế cho thấy, ngành sản xuất linh kiện điện tử nói riêng còn đối mặt với tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề, lao động có trình độ cao. Cụ thể, lao động của Việt Nam vẫn hạn chế trong việc sở hữu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng công nghệ thông tin.
Nhiều lao động dù đã qua đào tạo, nhưng khi làm việc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khiến người sử dụng lao động mất thời gian đào tạo lại. Điều đó cho thấy, Việt Nam chưa có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao đủ mạnh để thích ứng với yêu cầu đi trước đón đầu công nghệ.
Sau nhiều năm đẩy mạnh thu hút FDI, Việt Nam chủ yếu hình thành mối liên kết với một số doanh nghiệp FDI theo hình thức liên kết dọc, bao gồm liên kết ngược và liên kết xuôi; song vẫn còn hạn chế. Bởi lẽ, 90% doanh nghiệp FDI tại các nước Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan sử dụng nguồn đầu vào trong nước, Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60%. Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử đang phụ thuộc quá lớn vào khối ngoại, khi có đến 95% kim ngạch xuất khẩu đang thuộc về các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử còn thấp; các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp. Do đó, dù đã tham gia vào chuỗi giá trị, nhưng mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp. Nhìn chung, tính liên kết giữa khối doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam là khá ít và lỏng lẻo.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng cường năng lực của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ công nghệ để có thể tận dụng dòng vốn FDI, chuyển dịch tập trung tham gia ở công đoạn cao hơn trong chuỗi cung ứng, trước tiên là trong khu vực và sau đó là chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip điện tử làm đầu vào cho các ngành sản xuất mạch điện tử tích hợp, bóng bán dẫn.
Song song với việc tận dụng những lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để cải tiến công nghệ và chất lượng nguyên vật liệu, linh kiện đầu vào, tăng cường hấp thụ công nghệ và phát triển ngành điện tử trong nước; không ít ý kiến cho rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế... để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu, tạo thành chuỗi liên kết khép kín.
Đặc biệt, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững; sớm xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm với những điểm mới, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội chuyển giao công nghệ và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.