Cánh tay nối dài cho các doanh nghiệp
Năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Trà Vinh (Trung tâm) thực hiện 23 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến cho 20 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí trên 8,3 tỷ đồng; trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ gần 3,3 tỷ đồng, số tiền còn lại cơ sở đối ứng. Đây là nguồn trợ lực để các cơ sở ngành nghề công nghiệp ở nông thôn mở rộng quy mô sản xuất, có điều kiện đầu tư, ứng dụng các thiết bị, máy móc hiện đại, giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường, từng bước đưa sản phẩm vươn xa hơn ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Trà Vinh, việc hỗ trợ máy móc tiên tiến này đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất 15 - 40% so với trước. Đồng thời, giảm đáng kể chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường. Tổng doanh thu năm 2023 của 20 cơ sở công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách hỗ trợ đạt gần 78 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho gần 400 lao động, nộp ngân sách nhà nước gần 3,6 tỷ đồng.
Năm 2024, UBND tỉnh Trà Vinh tiếp tục phê duyệt Kế hoạch Khuyến công địa phương và xúc tiến thương mại với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng. Theo đó, sẽ hỗ trợ 13 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị chuyển giao công nghệ và sản xuất; hỗ trợ các cơ sở xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, thuê tư vấn, trợ giúp thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói…
Sở Công Thương Đồng Tháp cũng nhấn mạnh, hoạt động khuyến công thời gian qua đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất công nghiệp tại tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Thông qua việc hỗ trợ về vốn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực, các chính sách này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Nhờ các hoạt động khuyến công, tỉnh Đồng Tháp đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự hỗ trợ này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến là ngành thế mạnh của địa phương mà còn góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra, việc khai thác tiềm năng nguồn nguyên liệu hiện có cũng được khuyến khích, tạo điều kiện để các sản phẩm đặc trưng của địa phương như sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được phát triển. Sự quan tâm đến việc cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách hỗ trợ là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần vào sự phát triển bền vững của các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Tiếp tục đồng bộ các giải pháp
Mặc dù những tháng cuối năm 2024 vẫn sẽ còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam sẽ quyết tâm, nỗ lực đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024; đồng thời mong muốn các chính sách khuyến công thời gian tới sớm được hoàn thiện; những hạn chế về nguồn lực, kinh phí, cơ sở hạ tầng cũng sớm được tháo gỡ.
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sóc Trăng đề xuất, Bộ Công Thương, Cục Công thương địa phương thường xuyên rà soát, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực khuyến công đồng thời chủ động tham mưu xây dựng chương trình khuyến công giai đoạn, kế hoạch khuyến công hàng năm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, tình hình mới, điều kiện mới của địa phương và gắn liền với điều kiện phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Tăng cường khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu và có giải pháp hỗ trợ thích hợp. Khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ vào sản xuất. Quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực làm công tác khuyến công cho cán bộ tại các xã, phường, thị trấn. Bảo đảm cân đối bố trí nguồn kinh phí khuyến công hàng năm đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu hoạt động khuyến công để triển khai một cách hiệu quả nhất.
Để tăng cường hoạt động khuyến công, Sở Công Thương Đồng Tháp sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công của địa phương, tạo môi trường pháp lý phù hợp.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành và UBND cấp huyện đối với hoạt động khuyến công, tạo thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các chương trình khuyến công. Tăng cường giám sát, kiểm tra định kỳ để đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình khuyến công. Nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ sở công nghiệp nông thôn trên cơ sở hỗ trợ đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ưu tiên phát triển các ngành nghề, sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao; khai thác tốt các lợi thế về tài nguyên, vị trí địa lý, lao động địa phương để phát triển ngành nghề, sản phẩm phù hợp với lợi thế của tỉnh.
Đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ lẻ với các doanh nghiệp lớn, tạo thành chuỗi cung ứng sản xuất quy mô lớn hơn. Khuyến khích, nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư.