Dự thảo Thông tư hướng nghiệp học sinh từ bậc tiểu học

Giúp trẻ hình thành ý niệm về ngành, nghề

- Thứ Bảy, 17/10/2020, 07:16 - Chia sẻ
"Có năm tôi về An Giang, giữa vùng lúa, vùng cá, tôi hỏi “sao các con không học nghề thú y hay bảo vệ thực vật”. Các em ngạc nhiên: “Đấy cũng là nghề hả thầy?”. Kể chuyện này, TS. LÊ ĐÔNG PHƯƠNG, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, đang có khoảng trống trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở bậc tiểu học và cần có Thông tư về vấn đề này để giúp các em biết đến nhiều nghề hơn, từ đó hình thành ý niệm về chọn ngành, chọn nghề cho tương lai.

Khoảng trống trong giáo dục hướng nghiệp

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, quy định học sinh được giáo dục hướng nghiệp từ bậc tiểu học. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Học sinh trải ngiệm tại làng gốm Bát Tràng

- Hướng nghiệp là câu chuyện dài hơi. Chúng ta từng có môn học hướng nghiệp trong trường phổ thông, sau đó tụt hạng xuống thành hoạt động hướng nghiệp. Môn học có kiểm tra đánh giá, còn hoạt động thì không. Ở chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đặt nhấn mạnh hướng nghiệp nhưng "chìm" vào hoạt động trải nghiệm.

Là người làm nghiên cứu lâu năm cả về giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, tôi luôn băn khoăn: “Làm sao để việc hướng nghiệp thực sự hiệu quả”? Hướng nghiệp của chúng ta đạt được mục đích hay chưa? Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ bắt đầu từ lớp 1, do đó, để thấy được hiệu quả của công tác hướng nghiệp thì chắc phải 5 - 7 năm nữa, như vậy quá lâu. Do đó, tôi cho rằng việc đưa nội dung hướng nghiệp từ cấp tiểu học vào Thông tư là hướng đi đúng đắn.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, học sinh tiểu học còn quá nhỏ để tiếp cận với định hướng nghề nghiệp, thậm chí là không cần thiết, ông nghĩ sao?

- Năm ngoái tôi có làm khảo sát trực tuyến với 1.700 học sinh tiểu học ở 63 tỉnh thành, hầu hết các em đều thích làm công an, bộ đội, sau đó là bác sĩ, giáo viên. Tiếp đó, 2% học sinh bày tỏ nguyện vọng được làm ca sĩ... trong khi danh mục nghề của Tổng cục Thống kê có đến 900 nghề. Như vậy, do chúng ta hướng nghiệp chậm, chưa đến nơi đến chốn, nên 90% học sinh cấp 1 vẫn có ước muốn làm giáo viên, bác sĩ hoặc công an.

Thậm chí, có những nghề các em không hề nghĩ đến. Ví dụ, có năm tôi về An Giang, giữa vùng lúa, vùng cá, tôi hỏi “tại sao các con không học nghề thú y hay bảo vệ thực vật”. Các em ngạc nhiên: “Đấy cũng là nghề hả thầy?”. Như vậy, chúng ta đang có khoảng trống trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở bậc tiểu học trở lên.

Hình thành ý niệm về ngành, nghề

- Thực tế, công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông những năm gần đây đã có chuyển biến, tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm nay, có học sinh đạt 27 điểm vẫn trượt đại học. Như vậy, liệu công tác hướng nghiệp ở bậc tiểu học có khả thi?

Dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Ở cấp tiểu học, công tác hướng nghiệp có nhiệm vụ giúp học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số vị trí việc làm cơ bản trong xã hội. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu và tham gia những công việc thường ngày tại gia đình, cộng đồng và nhà trường. Các hình thức triển khai gồm thực hiện qua tích hợp, lồng ghép vào các môn học, tổ chức cho học sinh tìm hiểu về nghề nghiệp, việc làm hiện có ở Việt Nam và trên thế giới, tìm hiểu rõ hơn về các nhóm nghề nghiệp, việc làm tại cộng đồng tối thiểu 1 lần/năm học…

Dự thảo Thông tư được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý rộng rãi đến hết ngày 11.11.

- Tôi không muốn lặp lại câu chuyện 27 điểm vẫn trượt đại học, nhưng năm nay vẫn có. Nguyên nhân là học sinh chúng ta chưa có định hướng nghề đầy đủ. Ước tính của tôi, mỗi học sinh lớp 12 chỉ có sự mường tượng trong đầu khoảng 20 nghề. Đấy là một trong những nguyên nhân khiến các em điểm cao mà vẫn trượt.

Trước đây hướng nghiệp với học sinh tiểu học không rạch ròi. Tuy nhiên, ở rất nhiều nước như  Pháp, Đức, Anh... câu chuyện cho học sinh tiếp xúc với loại hình nghề khác nhau trong xã hội khá phổ biến. Do đó, ở bậc tiểu học, chúng ta không phải hướng nghiệp để các em học nghề mà chỉ là giới thiệu nghề. Nếu làm sớm các em sẽ ý thức được thế giới nghề nghiệp và bắt đầu chuẩn bị cho mình những lựa chọn phù hợp. Điều này cũng tránh trường hợp sinh viên học năm thứ 2 lại “lặng lẽ rút lui” để tìm cho mình con đường khác.

- Nếu Dự thảo Thông tư được thông qua, cần lưu ý gì để công tác hướng nghiệp ở bậc tiểu học hiệu quả, thưa ông?

- Thực ra, chúng ta cũng không hy vọng các em tiểu học có thể trong 1, 2 năm hiểu hết được 900 nghề. Nhưng theo kinh nghiệm của thế giới, nếu bắt đầu học nghề từ tiểu học, bắt đầu giới thiệu cho các em về nghề thì các em sẽ có ý niệm cái gì là nghề, cái gì là ngành. Thực tế, hiện nay xã hội đang nhầm lẫn ngành và nghề là một, học gì làm nấy. Tuy nhiên, học là ngành, như việc học cao đẳng, đại học; một ngành học ra được nhiều nghề, nghề có thể học từ nhiều ngành... Ví dụ, nhiều người học sư phạm văn vẫn có thể làm nghề báo, xuất bản…

Như vậy, tôi mong muốn từ lớp 3 trở đi học sinh bắt đầu hình thành ý niệm về chọn ngành, chọn nghề cho tương lai thì các em sẽ có lựa chọn tốt hơn thay vì hết lớp 12 mới chờ tìm trường. Tôi cũng hy vọng qua Thông tư, các bậc phụ huynh, nhà giáo ý thức được câu chuyện hướng nghiệp. Hướng nghiệp nghe to tát nhưng thực ra không cần nhiều nếu như trong quá trình dạy học, thầy cô có ý thức giới thiệu, cung cấp nhiều thông tin hơn về nghề nghiệp cho học sinh.

- Xin cảm ơn ông!

Khải Minh