145/161 xã, phường, thị trấn có ma túy
Theo báo cáo giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 145/161 xã, phường, thị trấn có ma túy; với tổng số 7.138 người liên quan đến ma túy. Trong đó, có 1.778 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 5.360 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy không có hồ sơ quản lý. Đối tượng nghiện ma túy chủ yếu là nam giới, độ tuổi từ 18 trở lên, cơ bản không có việc làm ổn định...
Trước tình trạng người sử dụng, nghiện ma túy có chiều hướng tăng, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND ngày 17.7.2020 về định mức ngân sách Nhà nước bảo đảm, hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện; mức đóng góp của người cai nghiện ma túy tự nguyện (hoặc gia đình người cai nghiện ma túy) tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn; Nghị quyết số 88/2023/NQ-HĐND ngày 8.12.2023 quy định nội dung, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với người cai nghiện ma túy; người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, người bị quản lý sau cai nghiện ma túy tại cấp xã trên địa bàn. UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc thực hiện tốt công tác điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện; huy động các nguồn lực tại chỗ hỗ trợ người sau cai nghiện, giúp đỡ người sau cai có việc làm ổn định cuộc sống.
Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận 473 người đi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh. Học viên thực hiện việc cai nghiện bắt buộc tại cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh được điều trị cắt cơn, giải độc bằng phương pháp lao động trị liệu. Sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện, người nghiện ma túy sẽ được quản lý tại nơi cư trú...
Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng chỉ rõ: việc quản lý và cai nghiện ma túy vẫn còn nhiều khó khăn; công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về ma túy và kỹ năng phòng, tránh ma túy cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thanh, thiếu niên, học sinh hiệu quả chưa như kỳ vọng; số thanh, thiếu niên bị rủ rê, lôi kéo sử dụng ma túy có xu hướng tăng; sự kỳ thị với người nghiện ma túy vẫn còn phổ biến, làm cho công tác giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Số người nghiện chưa được lập hồ sơ quản lý còn cao, số người nghiện ma túy có hồ sơ ở ngoài xã hội chiếm tỷ lệ lớn.
Nguyên nhân của thực trạng trên do công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma túy sau cai và việc hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Các cơ sở cai nghiện ma túy chưa đáp ứng nhu cầu (chỉ tiếp nhận từ 250 - 300 người bệnh/năm); người nghiện ma túy sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện trở về lại nơi cư trú thường tái nghiện với tỷ lệ cao...
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma túy sau cai, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí đủ nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 88/2023/NQ-HĐND ngày 8.12.2023 của HĐND tỉnh; ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 đầu tư, xây dựng các hạng mục thiết yếu thuộc cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh để bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất theo quy định; nâng mức trợ cấp đặc thù cho công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các đơn vị phòng, chống, cai nghiện ma túy theo quy định; bổ sung biên chế cho cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cao Bằng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, ngành y tế tăng cường công tác quản lý các cơ sở điều trị Methadone, đồng thời rà soát, đánh giá lại các điểm điều trị Methadone được bố trí tại các huyện để có biện pháp quản lý phù hợp; bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu điều trị, chữa bệnh cho các đối tượng đúng quy định của pháp luật. Đối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm cho người sau cai nghiện học nghề, bảo đảm có thu nhập ổn định cuộc sống để giúp người sau cai nghiện sớm hòa nhập với cộng đồng; tăng cường biện pháp quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú đối với người cai nghiện ma túy sau khi hết thời hạn cai nghiện bắt buộc.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị các cấp, các ngành và các địa phương tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về công tác phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng; tập trung vào các xã, phường, trọng điểm về tệ nạn ma túy, các nhóm người có nguy cơ cao như: không nghề nghiệp, không có việc làm hoặc có việc làm không ổn định, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên… Mặt khác, xây dựng kế hoạch cai nghiện và bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Phát động phong trào toàn dân phát hiện, vận động người nghiện ma túy và gia đình tự khai báo, tố giác và kết hợp điều tra; khảo sát thống kê, cập nhật để nắm chắc số lượng và diễn biến tình hình nghiện trên từng địa bàn, cụm dân cư, tổ dân phố để người nghiện ma túy đều được theo dõi, quản lý.