Cập nhật các giải pháp kỹ thuật, giúp nông dân ứng dụng vào sản xuất
Đầu năm 2016, hạn hán và xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long diễn ra rất khốc liệt. 10/13 tỉnh công bố tình trạng thiên tai, nông dân trồng lúa và cây ăn trái bị thiệt hại rất lớn, đời sống bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Giữa lúc đó, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã khởi xướng chương trình “Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long” và sau này đổi thành “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Nhiều người nông dân khi đó và thậm chí phải một thời gian dài sau mới có thể nói đúng cái tên gọi có phần “trúc trắc” của Chương trình. Tuy nhiên, bà con đã rất nhanh chóng hiểu về ý nghĩa và tác dụng mang lại của nó. Đó là Công ty CP Phân bón Bình Điền cung cấp, truyền thụ kiến thức, giải pháp kỹ thuật… cho người nông dân đồng bằng sông Cửu Long có thể tiếp tục canh tác lúa hiệu quả, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, đặc biệt là có nền tảng kiến thức tốt hơn để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa cả nước, cung cấp đến 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, vùng đồng bằng này cũng là 1 trong 3 đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Do vậy, câu hỏi làm thế nào để giữ vững và tiếp tục canh tác lúa hiệu quả tại đồng bằng sông Cửu Long đã chiếm hầu hết sự quan tâm của toàn ngành Nông nghiệp khi đó.
Ở thời điểm đó, bên cạnh các giải pháp “công trình” của Nhà nước, thì các giải pháp “phi công trình”, nhất là giải pháp khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa để thích ứng với các điều kiện bất lợi của môi trường, khí hậu ngày càng phát huy năng lực của mình. Chương trình Canh tác lúa thông minh của Công ty CP Phân bón Bình Điền đã thực hiện, điều chỉnh, cập nhật các giải pháp kỹ thuật để giúp nông dân có thể tiếp cận hiệu quả và ứng dụng được vào sản xuất. Cụ thể là cung cấp các giải pháp kỹ thuật “cứng” bắt buộc như giảm giống, giảm phân đạm và bón phân cân đối hợp lý, quản lý dịch hại theo IPM (40 ngày sau sạ không được phun thuốc trừ sâu rầy, quản lý nước theo ướt khô xen kẽ để phù hợp và hiệu quả hơn với từng vùng sinh thái, từng mùa vụ).
Các giải pháp mới được liên tục cập nhật để bổ sung vào quy trình: ứng dụng máy sạ hàng, máy sạ cụm để giảm giống; cung cấp giống lúa cấp xác nhận cho nông dân; đầu tư lắp đặt trạm quan trắc nước mặn tự động, trạm giám sát sâu rầy tự động, bút đo độ mặn, bút và dụng cụ đo pH ruộng lúa, trạm kiểm soát ngập khô xen kẽ tự động, trạm bơm nước thông minh… để nông dân có dữ liệu tốt hơn phục vụ canh tác; kết hợp tập huấn lý thuyết với hướng dẫn kỹ thuật canh tác trên đồng ruộng để nông dân dễ tiếp cận hơn; hướng dẫn nông dân tự đo đếm các chỉ tiêu đồng ruộng và báo cáo kết quả mô hình vào cuối vụ; hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng, tổ chức hội thi cuối vụ để đánh giá kiến thức đã chuyển giao; tổ chức tham quan học tập trong và ngoài nước cho nông dân và cán bộ kỹ thuật để cập nhật mô hình canh tác hiệu quả.
Chương trình Canh tác lúa thông minh của Công ty Bình Điền đã cùng người nông dân ứng dụng đồng bộ nhiều tiến bộ kỹ thuật và giải pháp canh tác lúa hiệu quả vào trong quy trình gieo trồng thông thường, đó là: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch hại theo IPM, quản lý nước theo ướt khô xen kẽ, làm bằng mặt ruộng kết hợp và đánh rãnh nước để rửa mặn phèn, ứng dụng bón lót để thúc đẩy rửa mặn phèn hiệu quả hơn… Bình Điền cũng cung cấp giải pháp công nghệ cho người nông dân là đầu tư lắp đặt trạm quan trắc nước tự động trên các tuyến sông và kênh nội đồng ở các vùng ven biển, đầu tư trạm giám sát sâu rầy tự động, bút đo độ mặn và pH, thiết bị gieo sạ cụm để giảm giống…
Người nông dân bỡ ngỡ trước đầy rẫy những khái niệm, giải pháp mới mẻ mà từ xưa họ chưa từng biết đến. Nhưng nhờ được tham gia các khóa đào tạo kiến thức về chương trình do Bình Điền tổ chức mà họ đã hiểu và thực hiện theo. Bình Điền đã xác định việc đầu tiên là phải đào tạo lực lượng cán bộ kỹ thuật, chính vì vậy ban cố vấn với các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành đã hỗ trợ đào tạo các cán bộ kỹ thuật tại các địa phương để làm nòng cốt trong việc hướng dẫn nông dân trong các mô hình.
Kế đó đến việc đào tạo nông dân cả lý thuyết và thực hành trên đồng ruộng, người nông dân sẽ cùng làm, cùng theo dõi, đo đếm các chỉ tiêu và báo cáo cuối vụ. Người nông dân tham gia hội thi vào cuối vụ để đánh giá kiến thức và tham quan học tập mô hình hiệu quả trong và ngoài nước. Chương trình cũng thực hiện nhiều video hướng dẫn kỹ thuật, có hình ảnh minh họa sinh động, dễ hiểu để nông dân dễ tiếp cận hơn.
Lan tỏa mạnh mẽ thông điệp "làm bạn với nhà nông"
Nhớ lại những ngày đầu của chương trình, khi mà một số bà con còn chưa hiểu nên chưa ủng hộ, Công ty CP Phân bón Bình Điền càng trân trọng đội ngũ ban cố vấn và lực lượng kỹ thuật. Tập quán làm nông ngàn đời nay thật khó chấp nhận việc giảm giống gieo sạ từ 150- 200kg/ha xuống còn 80- 100kg/ha.
Vậy mà nhờ kiến thức chuyên môn, uy tín được tạo dựng trong bấy lâu lăn lộn với nghề, đội ngũ ban cố vấn và lực lượng kỹ thuật đã thuyết phục thành công các chủ hộ và các thành viên trong gia đình chấp nhận đổi mới và cho đến nay, giống gieo sạ chỉ còn 60-80kg/ha. Đúng là khi đã lấy được lòng tin của bà con rồi thì mọi việc đều trở nên vô cùng thuận lợi. Cũng ngay trên mảnh đất của cha ông để lại, nhờ tiếp cận chương trình Canh tác lúa thông minh, người nông dân Việt đã nâng mình lên một tầm cao mới.
Từ những thành quả của chương trình canh tác lúa thông minh, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã rất tự hào được góp phần vào việc phối hợp và triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh cho sản xuất lúa đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tỉnh triển khai thực hiện, cũng như nhiều dự án và kế hoạch khác mà các địa phương vận dụng và đề xuất sử dụng nguồn ngân sách địa phương và trung ương để thực hiện.
Tại các vùng miền khác, Công ty CP Phân bón Bình Điền cũng phối hợp thực hiện các mô hình cánh đồng lớn, mô hình lúa chất lượng cao tại miền Đông, miền Trung và Tây Nguyên để nhân rộng chương trình. Không chỉ vậy, tại Campuchia và Lào, Bình Điền đã, đang và sẽ tiếp tục cùng với ban ngành nông nghiệp và nhà phân phối tại Campuchia triển khai thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh cây lúa, Công ty còn đang tiếp tục thực hiện chương trình canh tác thông minh trên cây cà phê, và trong tương lai Bình Điền sẽ tiếp tục mở rộng chương trình sang nhóm cây ăn trái và một số cây trồng có giá trị kinh tế khác.
Giúp người nông dân tiếp cận với các giải pháp canh tác thông minh để có thể thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, góp phần tạo ra những thế hệ người nông dân Việt có tri thức, khoa học và có trách nhiệm với hệ sinh thái, đó chính là mong muốn của đội ngũ ban cố vấn và lực lượng kỹ thuật Công ty CP Phân bón Bình Điền - những con người suốt đời chỉ muốn tri ân đồng ruộng và “làm bạn với nhà nông”.