Mở đầu chuyên đề về “Kỹ năng giám sát, xây dựng nông thôn ở huyện, xã”, TS. Nguyễn Viết Định chia sẻ với giảng viên, báo cáo viên tại 61 điểm cầu địa phương về khái niệm nông thôn mới. Theo tiến sĩ, huyện nông thôn mới phải có 100% số xã đạt nông thôn mới và các tiêu chí quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, y tế, văn hóa, giáo dục, sản xuất, môi trường, an ninh - trật tự xã hội. Tuy nhiên, song song với việc phát triển, phải giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, xã hội; quản lý tốt và bảo đảm dân chủ.
Trong xây dựng nông thôn mới, HĐND huyện có trách nhiệm giám sát UBND huyện, UBND xã trong việc thể chế hóa văn bản của cấp trên về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; việc thực hiện nghị quyết của HĐND huyện về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các Nghị quyết về chính sách hỗ trợ trong từng năm. Trên cơ sở đó, đại biểu HĐND huyện cần thực hiện tốt công tác thu thập thông tin, dữ liệu về xây dựng nông thôn mới; nắm rõ các tiêu chuẩn, chỉ tiêu.
“Khi thầy cô truyền đạt cho đại biểu, cần phân tích, làm rõ vai trò và trách nhiệm chính quyền cấp huyện, xã. Đại biểu HĐND xã có trách nhiệm gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với Nhân dân để lắng nghe, phản ánh các ý kiến đến các ban, ngành, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc. Đồng thời, thường xuyên phối hợp theo dõi việc tiếp nhận, xử lý và đôn đốc, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân” - TS. Nguyễn Viết Định lưu ý.
Từ kiến thức học tập và thực tiễn triển khai, đại biểu phải xây dựng cho mình những kỹ năng cần thiết trong công tác giám sát, qua đó, nhận diện được các vi phạm trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nhận định hạ tầng sẽ phản ánh rõ nét nhất về mức độ, chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, TS. Nguyễn Viết Định cho rằng, bên cạnh vấn đề xây dựng nông thôn mới, đại biểu cần tăng cường tiếp xúc cử tri, bám sát tình hình thực tế để phản ánh đúng khả năng, khai thác tối ưu tiềm năng của địa phương. Chủ trương làm thế nào để giải phóng sức sản xuất; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; nâng cao đời sống, quy hoạch, đầu tư hạ tầng trong nông nghiệp; chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp bền vững.
Ở chuyên đề “Kỹ năng giám sát, QLNN về đô thị quận, phường”, TS. Nguyễn Viết Định nhấn mạnh, HĐND Quận có trách nhiệm giám sát việc tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng chính quyền; tài nguyên, môi trường; … HĐND quận có nhiệm vụ ban hành các quy định quyết định về quản lý đô thị và thực hiện giám sát QLNN về đô thị theo thẩm quyền.
Kết thúc chuyên đề, TS. Nguyễn Viết Định cho rằng, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ, các đại biểu phải nắm chắc những kỹ năng giám sát QLNN về đô thị ở quận, phường. Trong đó, quan trọng nhất là 4 kỹ năng, bao gồm giám sát QLNN về trật tự, an toàn giao thông ở quận, phường; giám sát QLNN về trật tự xây dựng ở quận, phường; giám sát QLNN về phòng, chống cháy nổ ở quận, phường; và giám sát hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, môi trường.
Cùng với đó, để nâng cao hiệu lực hiệu quả QLNN về đô thị, phải thiết lập nền hành chính đô thị hiện đại. Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, đồ án quy hoạch xây dựng có tính khả thi cao; huy động sự tham gia của toàn xã hội; bảo đảm hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát minh bạch, đúng pháp luật.
10 chuẩn mực vàng trong quản lý đô thị
Quản lý bằng nhà nước pháp quyền; phân quyền và quản lý theo lãnh thổ; minh bạch, công bằng và giảm thiểu tối đa đặc lợi, đặc quyền; đề cao danh dự và trách nhiệm cá nhân; không tách rời quản lý và quy hoạch; tăng cường dân chủ và sự tham gia của người dân; coi trọng các yếu tố văn hóa truyền thống; tiêu chuẩn hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật và văn minh đô thị; tận dụng các công nghệ và kỹ thuật hiện đại; huy động các nguồn lực tham gia phát triển đô thị.