Cơ hội lớn để tăng cường xuất khẩu
Theo các chuyên gia, trong xu thế hội nhập quốc tế, số hoá rộng khắp, ngành phân bón Việt Nam đứng trước những cơ hội và triển vọng phát triển mới, đồng thời, thách thức mà ngành này phải đối mặt cũng vẫn đang hiện hữu. Thách thức đó, chủ yếu liên quan đến việc chuyển đổi sản xuất theo hướng sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính, chi phí nguyên liệu đầu vào, phí vận chuyển tăng, thiên tai, dịch bệnh...
Theo tham luận gửi Hội thảo Khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024” do Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính tổ chức, TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương nhận định, trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước vẫn cao, nhất là các sản phẩm phân bón chất lượng cao. Trong đó, thị trường phân DAP (Diammonium Phosphate là loại phân vô cơ hỗn hợp và có giá thành khá cao so với các loại phân vô cơ khác) chủ yếu dùng cho mục đích tiêu thụ nội địa chiếm hơn 50%, còn lại dùng để phục vụ chế biến cho các nhà máy sản xuất phân bón NPK (Nitrogen, Phosphorus, và Potassium).
Xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ có xu hướng sử dụng các sản phẩm phân bón chất lượng cao ngày càng gia tăng, do đó là cơ hội tốt cho ngành phân bón Việt Nam phát triển sản phẩm mới để tăng doanh thu, tối ưu hóa lợi nhuận trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ngành phân bón Việt Nam có cơ hội mở rộng xuất khẩu, phát triển thị phần tại nhiều quốc gia. Về chủng loại, Việt Nam có loại phân bón khác nhau, do đó, việc khai thác tốt cơ hội thị trường này sẽ tạo tiền đề quan trọng cho ngành phân bón Việt Nam chinh phục, mở rộng thị phần các sản phẩm phân bón, nhất là những sản phẩm có thương hiệu.
“Hiện sản lượng tiêu thụ Urê Cà Mau tại Campuchia chiếm thị phần từ 35 - 40%/năm và trong thời gian tới, phân bón Việt Nam định hướng phát triển tiêu thụ sản phẩm NPK chiếm thị phần từ 15 - 20%, được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong chiến lược kinh doanh tại Campuchia nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Ngoài Campuchia, ngành phân bón Việt Nam định hướng mở rộng thị trường sang các nước khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Mỹ La Tinh với các thị trường tiềm năng như Thái Lan, Myanmar, Philippines, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Ấn Độ, Brazil... Đây là những thị trường có quy mô tiêu thụ phân bón lớn, ổn định, phát huy được tính cạnh tranh về giá bán, chất lượng sản phẩm và đã tạo được uy tín nhất định trong quá trình thâm nhập, phát triển”, TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa phân tích.
Theo các chuyên gia, việc tăng cường xuất khẩu sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, giá bán, chất lượng sản phẩm và uy tín cho các doanh nghiệp phân bón của Việt Nam. Việc mở rộng các kênh xuất khẩu mới có ý nghĩa cấp thiết trong bối cảnh ngành phân bón có tính mùa vụ cao ở Việt Nam (cao điểm vào quý II và quý IV). Qua đó, giúp ngành phân bón Việt Nam cải thiện lượng tiêu thụ vào các thời kỳ thấp điểm trong nước (quý I và quý III). Duy trì dòng tiền ổn định, bảo đảm hàng tồn kho hợp lý, tối thiểu chi phí bán hàng, lưu kho sản phẩm và cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị trong ngành…
Áp lực chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra, những thách thức và áp lực đối với ngành phân bón Việt không hề nhỏ. Đầu tiên là áp lực do phải chuyển đổi sản xuất theo hướng sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng là nhiệm vụ quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu.
TS. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa nêu rõ, xu hướng gia tăng chi phí nguyên liệu đầu vào vẫn đang hiện hữu. Nhìn chung, nhu cầu nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất Urê sẽ tăng so với các năm trước. Điều này sẽ tác động tới chi phí giá thành sản xuất và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành, nhất là so với các nước xung quanh khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và xa hơn là các nước có lợi thế cạnh tranh lớn như Trung Đông, Baltic.
Xu hướng tăng giá cước vận chuyển đường biển trên thế giới trong các quý gần đây, cộng với đà tăng của giá dầu thế giới đẩy giá xăng dầu trong nước tăng. Vì vậy, viễn cảnh về giá cước vận chuyển hàng hóa nói chung và đối với ngành phân bón nói riêng trong nước sẽ tăng từ 20 - 30% trong năm 2024 là hoàn toàn có khả năng xảy ra, ảnh hưởng đến giá bán nội địa, làm giảm lợi nhuận của các đơn vị trong ngành. Ngoài ra, việc giá cước vận tải biển thế giới tăng kìm hãm nhu cầu mua mới từ thị trường quốc tế, giảm khả năng xuất khẩu của phân bón Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tại tọa đàm “Thuế giá trị gia tăng (VAT) với ngành phân bón: Từ không chịu thuế sang thuế suất 5%” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mới đây, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, trước đây phân bón thuộc diện chịu thuế 5%. Nhằm hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân, tháng 11.2014, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13), chuyển phân bón từ đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% sang đối tượng không chịu thuế. Việc này vô hình trung khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào mà phải tính vào chi phí sản phẩm.
Cũng theo các chuyên gia, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ Tám cũng sẽ tạo áp lực đối với ngành phân bón. Điều này đang đặt ra những băn khoăn về việc áp thuế có thể làm tăng giá phân bón và tác động đến người nông dân cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành phân bón, do các đơn vị sản xuất kinh doanh trong ngành vẫn phải chịu các chi phí đầu vào khá lớn.
Ngoài ra, chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao, nhất là chi phí vận chuyển, do đó hạn chế khả năng cạnh tranh của các sản phẩm phân bón Việt Nam cũng tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp phân bón Việt.