Ngân hàng Chính sách xã hội

Giúp dân khôi phục sản xuất

- Thứ Hai, 05/04/2021, 07:10 - Chia sẻ
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và thời tiết, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) vẫn luôn chủ động nguồn lực, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, khôi phục sản xuất kinh doanh cho các đối tượng chính sách. Kết thúc quý I.2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách và tổng dư nợ các chương trình tín dụng đều có mức tăng trưởng khá so với cuối năm 2020. Trong đó, nguồn vốn chủ yếu tập trung vào cho vay, khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo việc làm sau dịch bệnh…

Khắc phục mọi khó khăn

Quý I.2021 trôi qua trong sự thấp thỏm, lo âu bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cùng với cả nước, ngay từ những ngày đầu năm 2021, NHCSXH đã chủ động bám sát Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2021, để tập trung chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Giải ngân vốn cho các đối tượng chinhs ách trên địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội.
Giải ngân vốn cho các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, NHCSXH thành phố Hà Nội đã tích cực tổ chức các buổi giao dịch tại tuyến xã để giải ngân kịp thời nguồn vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho các hộ dân đầu tư phát triển kinh tế. Tại huyện Ba Vì, ngoài các phiên giao dịch định kỳ, trong các ngày từ 17 - 25.2, đơn vị đã tổ chức giao dịch liên tục tại điểm giao dịch lưu động UBND các xã, mỗi xã tổ chức từ 2 - 3 điểm/ngày. Tổng số tiền giải ngân gần 15 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động ở nông thôn, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh ở các xã thuộc vùng khó khăn. Từ đó, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Tại Hải Phòng, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã đồng ý bố trí 20 tỷ đồng ủy thác cho vay qua NHCSXH thành phố, NHCSXH Trung ương cũng đã kịp thời chuyển 50 tỷ đồng để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của đối tượng chính sách trên địa bàn... Với nguồn lực được hỗ trợ, NHCSXH chi nhánh thành phố đã khẩn trương đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay tới người nông dân tại các địa phương phục vụ cho sản xuất vụ lúa Đông - Xuân. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình chính sách trên địa bàn phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của thành phố.

Tại Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái nhấn mạnh, bước sang quý II, sau khi khống chế thành công dịch Covid-19, Hải Dương sẽ chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Các sở, ngành, địa phương phải tăng cường phối hợp, khẩn trương có giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh; bảo đảm đời sống cho người dân; xây dựng kịch bản phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới nhưng không được lơ là các biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện chủ trương này, NHCSXH tỉnh đã chủ động nguồn vốn, sẵn sàng cung ứng cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn, nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Tập trung bảo đảm đủ nguồn vốn

Đến hết tháng 3.2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 239.201 tỷ đồng, tăng 5.774 tỷ đồng so với năm 2020. Các đơn vị trong toàn hệ thống tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH để thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 22.869 tỷ đồng, tăng 2.554 tỷ đồng so với năm 2020.

Tổng dư nợ đến 31.3 đạt 230.554 tỷ đồng, tăng 4.357 tỷ đồng so với cuối năm 2020, với trên 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được vay vốn; trong đó, tín dụng tập trung chủ yếu vào phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt 169.524 tỷ đồng, chiếm 73,5% tổng dư nợ; tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt 61.030 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,5% tổng dư nợ. Chất lượng nợ tiếp tục được thực hiện tốt, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,72% trên tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,21%.

Trên đà tăng trưởng của quý I, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng yêu cầu, Ban điều hành NHCSXH tiếp tục tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2021; tổ chức huy động các nguồn vốn, trong đó, đẩy mạnh việc nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, huy động tiền gửi từ tổ chức, cá nhân trên thị trường, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn để bảo đảm nguồn vốn cho vay. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19.

Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình thiên tai xảy ra ở các địa phương, thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra để triển khai các giải pháp khắc phục, kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh. Tập trung chỉ đạo công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đặc biệt đối với các chi nhánh có chất lượng tín dụng còn thấp. Bên cạnh đó, nâng cấp các phần mềm ứng dụng, hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp. Nghiên cứu, tìm hiểu nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, từ đó đề xuất triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Bình Nhi