Bối cảnh lịch sử của JCPOA
Thỏa thuận JCPOA, ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), được nhiều nhà phân tích xem là bước ngoặt lớn trong ngoại giao quốc tế. Mục tiêu chính là hạn chế chương trình hạt nhân của Iran nhằm ngăn ngừa nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, đổi lại Iran sẽ được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt liên quan đến hạt nhân của Mỹ, EU và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Với sự giám sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), JCPOA yêu cầu Iran giảm mạnh hoạt động làm giàu uranium, giới hạn số lượng máy ly tâm và chấp nhận thanh tra thường xuyên. Thỏa thuận được kỳ vọng giúp giảm căng thẳng khu vực và mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho Iran.
Tuy nhiên, sự rút lui của Mỹ vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump, cùng việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt cả từ EU, đã khiến Iran dần rút lại các cam kết. Nước này không chỉ tăng cường làm giàu uranium, mà còn giới hạn quyền tiếp cận của IAEA, làm phương Tây lo ngại về khả năng phát triển vũ khí hạt nhân trong bí mật.
Trong bối cảnh đó, các cuộc đàm phán nhằm nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân được triển khai từ tháng 4.2021 tại Vienna, Áo, trong đó vòng gần nhất vào tháng 8.2022, nhiều lần thất bại do sự bất đồng sâu sắc giữa Iran và phương Tây về các điều kiện nới lỏng trừng phạt cũng như giới hạn hạt nhân. Nghị quyết gần đây của Hội đồng Thống đốc IAEA vào ngày 21.11, chỉ trích Iran không cung cấp đủ thông tin minh bạch về chương trình hạt nhân, có thể trở thành bước đệm cho các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn từ phương Tây. Điều này không chỉ gây áp lực lên Tehran mà còn đặt câu hỏi về khả năng duy trì JCPOA trong tương lai gần.
Sở dĩ các cuộc đàm phán rất khó tìm được tiếng nói chung vì nó không chỉ bị chi phối bởi vấn đề hạt nhân, mà còn bởi hàng loạt yếu tố địa chính trị, kinh tế và xã hội. Đặc biệt, mối quan hệ Iran-phương Tây được xem như nút thắt không dễ tháo gỡ. Iran đóng vai trò quan trọng trong nhiều cuộc xung đột tại Trung Đông, bao gồm việc hỗ trợ các lực lượng vũ trang tại Syria, Lebanon… Những hành động này khiến phương Tây và các đồng minh khu vực nhất là Israel lo ngại. Việc gần đây nhất Iran bị cáo buộc cung cấp UAV và vũ khí cho Nga trong cuộc chiến tại Ukraine đã làm tăng áp lực từ EU, khiến đàm phán trở nên khó khăn hơn.
Hiện nay, các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và EU đã đẩy nền kinh tế Iran vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng, với tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp cao kỷ lục. Điều này khiến chính quyền Tổng thống Pezeshkian đối mặt với áp lực lớn từ người dân, đồng thời làm suy yếu vị thế của Iran trên bàn đàm phán. Bên cạnh đó, các phe phái cứng rắn trong nước luôn phản đối việc nhượng bộ với phương Tây, càng tạo ra rào cản lớn cho bất kỳ thỏa thuận nào.
Yếu tố thời điểm mang lại cơ hội
Trong những năm qua, mối quan hệ giữa Iran và châu Âu đang xấu đi nhanh chóng. Tehran chỉ trích bộ ba châu Âu vì không thực hiện các cam kết của họ theo JCPOA, và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Anh, Pháp và Đức mặc dù vẫn là những bên ký kết chính thức của thỏa thuận, nhưng đã không thể giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Châu Âu thậm chí còn đưa ra các lệnh trừng phạt riêng đối với Iran, với lệnh cấm gần đây nhất nhắm vào các tuyến hàng không và vận tải biển của Iran. Các lệnh trừng phạt được áp dụng với lý do Iran cung cấp vũ khí cho Nga, cáo buộc mà Iran nhiều lần phủ nhận và yêu cầu châu Âu cung cấp bằng chứng.
Vì vậy, cuộc đàm phán sắp tới tại Geneva, do Thứ trưởng Ngoại giao Iran Majid Takht Ravanchi, một nhà đàm phán hạt nhân kỳ cựu dẫn đầu, được đánh giá mang tính biểu tượng cao, không chỉ vì đây là cơ hội để các bên tái thiết lập lòng tin, mà còn do nó diễn ra trong bối cảnh sắp có sự thay đổi quyền lực tại Mỹ. Tổng thống đắc cử Donald Trump, người từng chỉ trích gay gắt JCPOA, có thể định hình lại chính sách hạt nhân đối với Iran trong nhiệm kỳ sắp tới.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baqaei, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào việc thiết lập thỏa thuận hạt nhân mới để thay thế cho thỏa thuận năm 2015, cùng nhiều vấn đề song phương, khu vực lẫn quốc tế như Palestine và Lebanon. Ông mô tả cuộc đàm phán Geneva sắp tới là sự tiếp nối của các cuộc thảo luận “có hiệu quả” diễn ra trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gần đây tại New York.
Theo các nhà quan sát, cuộc đàm phán mang đến cả hy vọng lẫn áp lực đối với tất cả các bên. Chẳng hạn, đối với Iran, đây là cơ hội để chính quyền Tổng thống Pezeshkian khôi phục niềm tin quốc tế, giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, và cải thiện nền kinh tế. Tuy nhiên, bất kỳ nhượng bộ nào cũng có thể làm suy yếu vị thế trong nước, gây bất mãn từ các phe bảo thủ. Dẫu vậy, Tổng thống Iran vẫn đặt mục tiêu giải quyết bế tắc hạt nhân trước lễ nhậm chức của ông Trump.
Về phía EU, với tư cách là trung gian hòa giải, EU cần đạt được một thỏa thuận không chỉ giúp giảm căng thẳng khu vực, mà còn củng cố vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu. Hãng thông tấn ISNA của Iran trích lời người phát ngôn về đối ngoại của EU, Peter Stano, nhấn mạnh rằng ngoại giao là con đường duy nhất để giải quyết các vấn đề nhạy cảm. Đối với Mỹ, dù không tham gia trực tiếp, chính quyền Tổng thống Joe Biden có vai trò quan trọng trong việc định đoạt kết quả đàm phán. Các chính sách trừng phạt và áp lực kinh tế của Mỹ sẽ là yếu tố quyết định thành bại.
Những kịch bản trong tương lai
Theo các nhà phân tích, cuộc đàm phán Geneve đối mặt với nhiều kịch bản. Nếu tích cực, các bên sẽ đạt được thỏa thuận và đây sẽ là bước ngoặt trong việc giảm căng thẳng tại Trung Đông, ngăn chặn nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời ổn định thị trường năng lượng toàn cầu. Trường hợp ngược lại, thất bại trong đàm phán có thể khiến Iran không tuân thủ JCPOA, thậm chí rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang tại khu vực, đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bất ổn mới.
Một Trung Đông đầy bất ổn sẽ tạo điều kiện cho các nhóm cực đoan gia tăng hoạt động, đe dọa hòa bình và ổn định toàn cầu. Thậm chí, nếu xét về khía cạnh kinh tế, bất ổn tại Iran, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và nhiều nước khác.
Quyết định khởi động lại tiến trình đàm phán ở Geneva là cột mốc quan trọng đối với nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định quốc tế. Thành công của sự kiện này phụ thuộc vào thiện chí, khả năng linh hoạt và vượt qua các khác biệt sâu sắc giữa các bên. Trong một thế giới đầy rẫy những xung đột và còn nhiều rào cản, tái khởi động đàm phán tại Geneva kỳ vọng, ngoại giao vẫn là con đường khả thi nhất để giải quyết các vấn đề phức tạp. Liệu các nhà lãnh đạo của Iran và EU có thể tận dụng cơ hội này để tạo ra khuôn khổ hòa bình mới hay không? Câu trả lời sẽ được định đoạt không chỉ trên bàn đàm phán, mà còn trong các quyết định chiến lược sau đó.