Giữ vững đà tăng trưởng

- Thứ Bảy, 15/05/2021, 06:10 - Chia sẻ
Nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách của địa phương, nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND huyện Tuyên Hóa đã xây dựng, ban hành nhiều Nghị quyết, nhằm cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của cấp trên vào điều kiện thực tế của địa phương, tạo thuận lợi cho UBND huyện, các cấp, các ngành và địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Phát triển kinh tế hộ theo hướng kết hợp trồng trọt và chăn nuôi giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân Tuyên Hóa

Hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế

Trong nhiệm kỳ qua, HĐND huyện đã nỗ lực cải tiến, nâng cao chất lượng công tác, ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò, hiệu lực của cơ quan dân cử trong hệ thống chính trị. Đặc biệt là đã thực hiện tốt chức năng quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương, ban hành nhiều Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành những mục tiêu đã đề ra. 

Theo đó, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, có hiệu quả; kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 10,1%/năm. Giá trị sản xuất tăng bình quân nông - lâm - ngư nghiệp; công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ… đều cơ bản đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm; giải quyết việc làm cho hơn 3.200 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,79%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 97%; tỷ lệ người dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên 93%. 

Là huyện miền núi, Tuyên Hóa xác định ưu tiên cho lĩnh vực nông - lâm - thủy sản; cơ cấu có sự chuyển dịch tích cực, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 53% trong nông nghiệp. Việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã, thị trấn một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, bước đầu đạt kết quả tốt. Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục chuyển đổi theo hướng bền vững, trồng rừng kinh tế phát triển mạnh; công tác khoanh nuôi phục hồi, chăm sóc, bảo vệ rừng được tăng cường và thực hiện có hiệu quả. Hàng năm, trồng rừng và khai thác gỗ rừng trồng trên 1.000ha, giá trị thu được trên 50 tỷ đồng; duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng 75%, đạt chỉ tiêu đề ra. Công tác xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Hóa cũng đạt nhiều kết quả quan trọng với 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Kết quả đó là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Tuyên Hóa trong việc xây dựng phương án phòng, chống hạn hán, phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn bà con chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, dịch hại cho cây trồng; thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô; đưa các loại giống mới, có năng suất cao vào sản xuất… Trong chăn nuôi, chú trọng nâng cao chất lượng đàn gia súc, phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại gắn với phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, nhất là phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Nuôi trồng thủy sản tiếp tục được đầu tư; công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng cũng được huyện duy trì thường xuyên.

Huyện Tuyên Hóa có tổng diện tích tự nhiên 112.869,4 ha; toàn huyện có 18 xã và 1 thị trấn, trong đó có 12 xã đặc biệt khó khăn. Tổng số dân tính đến 31.12.2020 là 22.280 hộ, 77.939 nhân khẩu; dân cư tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn với gần 70% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 46,65%; trong đó đào tạo nghề 32,21%, chủ yếu qua đào tạo nghề ngắn hạn. Dân số trên địa bàn huyện đa số thuộc dân tộc Kinh, ngoài ra có người Mã Liềng, thuộc dân tộc Chứt sống tập trung tại 4 bản của 2 xã Thanh Hoá, Lâm Hoá và một số dân tộc khác sống rải rác ở các xã trên địa bàn huyện.

Tiếp tục khai thác thế mạnh địa phương

Xác định những thách thức về biến đổi khí hậu và môi trường, các loại dịch bệnh, nhất là hậu quả do đại dịch Covid-19 toàn cầu, với mục tiêu tiếp tục đưa kinh tế huyện phát triển mạnh và bền vững, theo HĐND huyện Tuyên Hóa, năm 2021 và giai đoạn tiếp theo, cần tiếp tục huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt các chính sách xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.  

Mới đây, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025). Theo đó, bảo đảm tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm là 11 - 12%; giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản đến 2025 đạt 650 tỷ đồng; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng là 1.190 tỷ đồng; thương mại - dịch vụ là 1.985 tỷ đồng; sản lượng lương thực bình quân hàng năm 18.000 tấn; thu ngân sách trên địa bàn là 100 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm; có 13/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 72,2%. Bên cạnh đó, 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh 98%; duy trì độ che phủ rừng trên 75%; sản lượng lương thực bình quân hàng năm 18.000 tấn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 1,5 - 2%. Giải quyết việc làm hàng năm cho 3.200 - 3.500 lao động, trong đó xuất khẩu lao động từ 400 - 450 lao động.

Đồng thời, huyện Tuyên Hóa tiếp tục phát triển nông nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng sản phẩm thương hiệu đặc trưng của địa phương gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa, ổn định diện tích đất trồng lúa chủ động nước tưới, tích cực sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao có thời gian sinh trưởng ngắn ngày vào sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển một số thương hiệu nông sản hàng hóa; có cơ chế thu hút xây dựng các nhà máy xử lý, chế biến nông sản.

Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, xem đây là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò lai; phấn đấu giá trị ngành chăn nuôi đến năm 2025 đạt 305 tỷ đồng; tỷ lệ bò lai chiếm trên 80,00% tổng đàn. Mặt khác, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; chú trọng quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tạo động lực phấn đấu xây dựng huyện Tuyên Hóa phát triển bền vững.

Minh Nhật