Giữ uy tín, tạo niềm tin...

- Thứ Tư, 23/12/2020, 07:17 - Chia sẻ
Gần 2 năm trước, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng đã từng phát biểu rằng, số người "dám" bỏ tiền ra mua hàng trực tuyến còn khiêm tốn và chỉ mua các sản phẩm, dịch vụ với số tiền nhỏ do chưa có niềm tin. Do vậy, để tạo niềm tin về thương mại điện tử phải có chính sách an ninh tốt để bảo vệ người tiêu dùng khi có các tranh chấp trực tuyến xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay quyền lợi người tiêu dùng chưa được bảo vệ, ví dụ như khi mua một món đồ có trị giá nhỏ nhưng chi phí khiếu nại khi có tranh chấp lại lớn hơn...

Nhận định này của Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam là có cơ sở bởi thương mại điện tử là một chuỗi khép kín từ bán hàng - thanh toán - vận chuyển... Vậy nên, chỉ cần một trong những "mắt xích" trong "chuỗi" có vấn đề sẽ ngay lập tức "xảy ra chuyện". Đáng tiếc là mới đây đã xảy ra nhiều vụ việc các shipper đánh tráo hàng hóa có giá trị khi khách mua hàng qua thương mại điện tử. Đã có bị can bị khởi tố, vậy nhưng chừng đó là chưa đủ, như đại diện chuỗi bán lẻ đã nơi đã gửi hàng phải thốt lên: Các bạn làm vậy là "giết chết" thị trường thương mại điện tử...

Hiện nay, thị trường thương mại điện tử của nước ta tăng trưởng bình quân từ 20 - 30% và theo nhận định của nhiều chuyên gia, với tốc độ này, dự kiến năm 2025 giá trị thương mại điện tử sẽ đạt 33 tỷ USD, đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Indonesia và Thái Lan. Thậm chí, dự báo trong năm nay có thể sẽ đạt 13 tỷ USD... Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Trước tiên là việc sử dụng tiền mặt khi thanh toán. Hàng phải chuyển đến thì khách mới trả tiền. Đây là một trong những trở ngại lớn vì làm xói mòn sự tin tưởng giữa doanh nghiệp - người bán và người tiêu dùng, mà lý do là bởi "các bên" đều nghi ngờ, không tin tưởng nhau. Người mua thì không tin tưởng về chất lượng hàng hóa nên cứ nhận hàng thì mới trả tiền còn người bán vì chưa được trả tiền trước nên cho rằng việc từ chối, hủy đơn hàng là rất lớn.

Vấn đề nữa là hành lang pháp lý cho thương mại điện tử (cả về mô hình cũng như chế tài xử lý khi xảy ra tranh chấp hoặc vi phạm về chất lượng, thương hiệu hàng hóa) cũng cần phải nhanh chóng hoàn thiện hơn và phải nhanh chóng "thích nghi" với những thay đổi trong thực tế.

Những gì đã xảy ra thời gian qua chỉ là những hiện tượng cá biệt. Vậy nhưng không vì thế mà có thể xuê xoa mà cần thiết phải xử lý nghiêm khắc, không thể chỉ vì lòng tham của một vài cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến cả thị trường - vốn dĩ đặc biệt cần và đề cao uy tín như thương mại điện tử. Chỉ có sự trung thực, tạo dựng và giữ được uy tín, niềm tin; tôn trọng quyền lợi của khách hàng mới tạo nền tảng vững chắc cho thị trường thương mại điện tử tìm được chỗ đứng trên thị trường và phát triển bền vững.

Khánh Ninh