Giữ trò chơi dân gian bằng cách nào?
Trò chơi dân gian, nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống người Việt xưa, đặc biệt là trong dịp Tết đến xuân về, nhưng hiện nay đang dần bị mai một. Làm thế nào để đưa trò chơi dân gian trở lại cuộc sống đương đại? Dưới đây là những chia sẻ của nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân:
Xưa, cuộc sống không có kỹ thuật thông tin điện tử. Những trò chơi trong dịp lễ hội, cuộc sống thường nhật chủ yếu bắt nguồn từ hoạt động sản xuất, chiến đấu, giữ gìn thể chất… Theo đó, các trò chơi dân gian chia ra làm hai hướng “trai thi mạnh gái thi mềm”, trò chơi đàn ông xuất phát từ sản xuất chiến đấu, phụ nữ thì nội trợ… Vật liệu sử dụng trong các trò chơi là cây tre, chiếc thừng, hòn sỏi, hạt nhãn, hạt táo… Đó là những thứ dễ tìm kiếm, không mất tiền mua, quen thuộc, gần gũi trong đời sống.
Các trò chơi theo mỗi người từ khi còn là đứa trẻ đến lớn. Khi 4 - 5 tuổi, con trẻ đã nhìn các chị chơi, nhảy dây, đánh chuyền, đánh chắt… Lớn lên một chút, chúng bắt đầu chơi các trò chơi đồng dao, rồng rắn… Tết đến, chúng xếp thành từng hàng dài vừa đi vừa hát vang: Ông giẳng ông giăng. Xuống chơi với tôi. Có bầu có bạn. Có nồi cơm nếp. Có nệp bánh chưng. Vào những ngày đầu xuân năm mới, trẻ con lại tụm lại thành từng nhóm, tay cầm ống tre, trong đó có mấy đồng xu gõ xuống đất kêu theo điệu hát:
![]() Nguồn: yume.vn |
Nhà nào còn đèn còn lửa. Mở cửa cho anh em chúng tôi vào? Bước lên giường cao. Thấy đôi rồng thấp. Bước xuống giường thấp. Thấy đôi rồng chầu… Các trò chơi rất giản đơn, song đem lại một không khí mùa xuân rộn ràng, ấm cúng.
Ngoài ra, với con trẻ các trò chơi gian còn rèn luyện trí nhớ như trò chơi ô ăn quan. Người chơi phải tính toán làm sao ăn được quan, ăn hết quân bắt đối phương phải mua quân. Đặc biệt các trò chơi không có tính bạo lực như nhiều trò chơi mà trẻ con ngày nay tiếp xúc hàng ngày.
Thanh niên thời xưa cũng dùng các trò chơi dân gian để tìm hiểu nhau như Hát trống quân. Mở đầu có những câu hát dò đường. Tháng 3 anh đi chơi xuân. Qua đây thấy cuộc trống quân anh vào. Anh vào anh có lời giao chưa chồng thì vào, có chồng thì ra. Có chồng thì bước ra xa, kẻo anh mang tiếng nguyệt hoa với làng… Lời hỏi giản dị và có phần thẳng thắn. Cô gái trả lời: Có chồng em chẳng đến đây. Có chồng em đã màn quây ở nhà…
Trong các dịp tết thì các trò chơi dân gian càng được ưa thích. Bởi qua các trò chơi người chơi còn có thể rèn luyện sức khỏe, thể hiện tính dân tộc như trò kéo co. Những người tham gia chỉ cần chọn chỗ nào rộng làm dây thừng dài, vải đỏ, vạch một đường phân chia gianh giới. Bên nào bị kéo qua vạch là thua. Đất chật thì dùng gậy, vạch đường, hai bên cùng đẩy. Bên nào bị đẩy sang bên kia thì thua… Đây là những trò chơi không thể thiếu trong các lễ hội xưa. Người chơi và người xem đều thích thú. Tạo không khí lễ hội vui vẻ, sảng khoái. Nhiều trò có phần thưởng nhưng chỉ mang tính tượng trưng, động viên, có khi chỉ là bao chè, mấy vuông lụa…
Trong khi hiện nay, ở các lễ hội trò chơi dân gian không được chú trọng như xưa. Không ít ý kiến cho rằng, trò chơi dân gian xưa không còn sức hấp dẫn. Thực tế, năm 2010, Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, chúng tôi có đưa trò chơi ô ăn quan lên truyền hình, tuyển chọn đội chơi ở các trường phổ thông. Từ đó đến nay, nhiều trường vẫn duy trì và trở thành trò chơi chính cho học sinh tại đó. Chúng tôi cũng từng tổ chức một số trò chơi dân gian tại Mã Mây, Hồ Hoàn Kiếm suốt 3 năm liền. Các trò chơi được chuẩn bị kỹ lưỡng, có kịch bản cụ thể nên đã thu hút được rất nhiều người dân tham gia.
Để khôi phục được trò chơi dân gian trong cộng đồng rất cần sự vào cuộc tích cực từ phía cơ quan quản lý, ngành giáo dục và các tổ chức, đoàn thể... Đặc biệt, tạo những sân chơi mang tính thường xuyên để tạo thói quen trong đời sống thường nhật. Đơn cử như hiện nay số lượng sách hướng dẫn các trò chơi dân gian rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc giáo dục cho trẻ chơi ở trường học cũng không dễ khi bản thân nhiều cô giáo cũng không biết, không hiểu các trò chơi dân gian. Trên truyền hình hiện nay cũng có một số chương trình nhằm “phục dựng” trò chơi dân gian như Đuổi hình bắt chữ… Ở Hà Nội, hiện có một vài đơn vị như Triển lãm Vân Hồ, hay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã chú trọng tạo sân chơi để người dân có dịp tham gia trò chơi dân gian song vẫn là ít so với vốn trò chơi dân gian của người Việt.
Tôi cho rằng, nếu chúng ta không tổ chức, không tạo sân chơi thường xuyên thì trò chơi dân gian chắc chắn sẽ mai một. Còn nếu tổ chức thường xuyên sẽ dần dần tạo thành phong trào và thu hút nhiều người tham gia hơn. Qua đó, sẽ tạo được môi trường lành mạnh cho mọi người, đặc biệt giới trẻ trước trò chơi không lành mạnh, thậm chí mang tính bạo lực như hiện nay.