Giữ sắc màu truyền thống của đồng bào Mông
Các cây thuốc nhuộm vải lanh truyền thống là một phần của kho tri thức bản địa cộng đồng dân tộc Mông tỉnh Hà Giang. Trước tình trạng nguyên liệu này mai một, việc xây dựng vùng trồng cây đã được quan tâm nhằm bảo đảm nguồn cung cấp thuốc nhuộm, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, cải thiện thu nhập và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
Nghề truyền thống đặc sắc của dân tộc Mông
“Trong văn hóa của người Mông, vải lanh có ý nghĩa quan trọng. Từ xa xưa đã có quan niệm rằng, nếu khi chết người Mông không được mặc quần áo bằng vải lanh thì sẽ không về được với tổ tiên. Theo phong tục tập quán của ông cha truyền lại, nếu không biết làm sợi lanh, dệt vải lanh, thêu thùa hoa văn thì không phải là phụ nữ Mông” - bà Giàng Thị Say, Giám đốc Hợp tác xã Dệt lanh Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, Hà Giang chia sẻ. Bởi vậy, những bé gái dân tộc Mông từ 8 - 9 tuổi đã biết làm sợi lanh, 13 - 14 tuổi chuẩn bị học se sợi, dệt vải, rồi học vẽ sáp ong, nhuộm chàm…

Kế thừa truyền thống, cho đến nay, người Mông tại xã Cán Tỷ sử dụng nhiều loại cây khác nhau trong tự nhiên để làm thuốc nhuộm vải lanh. Các cây thuốc bản địa và cách tạo màu tự nhiên là kho tri thức bản địa quý giá được lưu giữ và bảo tồn qua nhiều đời. Bà Sùng Thị Máy, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dệt lanh Cán Tỷ cho biết, từ cây chàm và các loại cây khác, phụ nữ Mông có thể nhuộm ra hơn 20 sắc màu khác nhau từ xanh lam, xanh lá, cho đến đỏ, tím, vàng...
Trong đó, phổ biến nhất là cây chàm, tùy cách sơ chế, có thể nhuộm ra 4 - 5 sắc xanh khác nhau từ lục đến lam. Người Mông lấy cả thân lẫn lá chàm về ngâm, rồi nhuộm thành màu xanh đặc trưng với các sắc độ khác nhau. Màu tím được nhuộm từ nước của lá cẩm nấu với nước. Củ nâu được giã nát và ngâm vào chậu để cho ra màu nâu nhuộm vải, màu vàng được lấy từ củ nghệ… Từ các loại thuốc nhuộm cơ bản này, người dân Cán Tỷ đã kết hợp với nhau để tạo ra các màu sắc mới.
Quy trình dệt vải và nhuộm màu từ cây tự nhiên là kho tri thức bản địa quý giá mang bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao. Dệt vải lanh và nhuộm vải từ các cây bản địa cũng một trong những nghề truyền thống của người dân tộc Mông tại xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, Hà Giang. Tuy nhiên, theo thời gian, người dân khai thác chàm và một số cây thuốc nhuộm khác gặp nhiều khó khăn, do chủ yếu thu hái trong tự nhiên, dẫn đến nguồn cung không ổn định và gây nguy cơ khan hiếm, cạn kiệt. Có một thời gian, các cây thuốc nhuộm màu này có tình trạng bị mai một, dần biến mất và phải đi thu mua ở các vùng khác do thu hái quá mức và không có phương án phát triển bền vững.
Nhu cầu dùng đồ lanh tuy vẫn còn, nhưng nghề truyền thống này có nguy cơ mai một do không có người tiếp tục thực hành. Để làm ra một sản phẩm từ cây nhuộm màu dệt lanh thổ cẩm truyền thống cần trải qua nhiều công đoạn, nhưng chưa được hạch toán đúng giá trị của sản phẩm và khó khăn trong việc duy trì nguồn thu cho lao động địa phương. Bởi vậy, thu nhập từ cây nhuộm màu và sản phẩm dệt lanh thổ cẩm truyền thống so với thu nhập từ các nguồn khác rất khiêm tốn.
Phát triển cây nhuộm màu, bảo tồn đa dạng sinh học
Trong chương trình đánh giá sơ bộ vùng nông thôn năm 2019 của Hội Phụ nữ tỉnh Hà Giang, bao gồm khu vực xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, đã đưa ra kết quả đánh giá cho thấy thu nhập chính của người dân ở xã đến từ 3 nguồn chính: nuôi gia súc, nuôi ong lấy mật và dệt vải từ cây lanh, trồng cây thuốc nhuộm. Dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu thu nhập, việc phát triển trồng lanh, cây thuốc nhuộm và các sản phẩm từ vải lanh là hướng đi giúp cộng đồng cải thiện sinh kế, duy trì hoạt động truyền thống và hạn chế các hoạt động can thiệp vào rừng tự nhiên nơi đây.

Trước thực tế trên, Dự án “Tăng cường năng lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong việc phát triển cây nhuộm màu dệt thổ cẩm, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học Cao nguyên đá Đồng Văn” đã được triển khai từ năm 2020 - 2022. Dự án đã có các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho phụ nữ về kỹ thuật gây giống, trồng và thu hái các cây thuốc nhuộm bản địa; xây dựng vườn ươm thu thập các loại giống cây thuốc nhuộm bản địa (củ nâu, lá cẩm, củ nghệ, nhung hoa, mật mông, hoàng liên ô rô…) rộng 90m2, tạo dựng môi trường thực hành chăm sóc và bảo tồn đa dạng các cây thuốc nhuộm tại địa phương; và một khu nguyên liệu trồng chàm rộng 2000m2 trên núi, tạo nguồn cung ổn định và bền vững cho các hoạt động nhuộm vải tại địa phương.
Mạng lưới các dân tộc sử dụng cây thuốc nhuộm màu dệt thổ cẩm cũng được tạo dựng, lồng ghép và phát huy giá trị văn hóa bản địa gắn với cây thuốc nhuộm vào các sản phẩm địa phương. Dự án cũng tư liệu hóa các quy trình, công đoạn dệt vải lanh và nhuộm vải, ý nghĩa các hoa văn trang trí nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức về giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc; kết nối và xây dựng mạng lưới các nhóm thổ cẩm và sản phẩm bản địa trong địa bàn tỉnh Hà Giang; xây dựng Quỹ xã hội làm phương tiện duy trì và thúc đẩy các sản phẩm bản địa, phát triển sinh kế cho người dân tộc thiểu số.
Theo bà Hoàng Trà My, Trung tâm Phát triển cộng đồng miền núi, đơn vị phối hợp triển khai thực hiện Dự án, các hoạt động góp phần thúc đẩy chuyển giao kiến thức bản địa cho thế hệ trẻ, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, nâng cao nhận thức, tuyên truyền về giá trị văn hóa bản địa và kết nối các nhóm cộng đồng với nhau và từng bước giúp cộng đồng tạo nguồn thu nhập ổn định từ nghề nhuộm màu dệt lanh thổ cẩm truyền thống.
Hiện nay, giá trị văn hóa của quy trình dệt lanh và kiến thức bản địa về thuốc nhuộm màu tự nhiên được bảo tồn và phát huy thông qua mô hình trải nghiệm cho du khách và gian trưng bày sản phẩm. Từ đó, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn giá trị văn hóa tại địa phương, tạo thu nhập cho đồng bào. Phụ nữ Mông giờ đây có thể tự tin giới thiệu về nghề truyền thống và kiến thức bản địa mình nắm giữ.