Giữ ổn định môi trường chính sách

- Thứ Tư, 02/06/2021, 06:43 - Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm, có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, có 31,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5 tăng 8,1% về số lượng và tăng 33,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 78,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9%. Ngoài ra, còn có gần 22.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng qua có 78.300 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Dù số lượng doanh nghiệp chỉ phản ánh một phần năng lực của nền kinh tế nhưng những con số trên cho thấy dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, song tác động của dịch vẫn rất nặng nề. Không những thế, dịch Covid-19 quay trở lại tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhìn ở khía cạnh tích cực, có thể các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh để tiếp tục nghe ngóng, xem xét diễn biến thị trường, tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới cũng như chờ đợi các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước trước khi quyết định có hoạt động trở lại hay không... Thực tế, có không ít doanh nghiệp đang "thích ứng" khá tốt thể hiện rõ nhất qua việc chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh. Một chuyên gia dẫn chứng, các mô hình livestream bán hàng là một trong những cách làm phổ biến của không ít doanh nghiệp trong và sau dịch. Đây là bằng chứng rõ nét nhất về việc doanh nghiệp đang tự đổi mới, tự tái cấu trúc nhằm giảm thiểu tối đa chi phí để tồn tại, thậm chí phát triển.

Tuy nhiên, những cách thức này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn và việc lần đầu tiên trong một thập kỷ gần đây, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp mới tham gia là điều đáng lo ngại, cho dù nguyên nhân chính là bởi yếu tố khách quan - tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển được, nhiều ý kiến cho rằng cần có những chính sách căn cơ, cụ thể hơn. Đó là tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách cho doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, hiệu quả các nguồn hỗ trợ, ưu đãi. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh các gói hỗ trợ về tài chính, giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân, cần giữ ổn định môi trường chính sách, tránh tăng thuế, phí vì việc này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà cả người dân.

Với doanh nghiệp, cần chú trọng khai thác và phát triển thị trường nội địa; cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu; cơ cấu lại doanh nghiệp để kết nối, nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời cần xác định lợi thế, tiềm năng để định hướng phát triển, tạo động lực tăng trưởng và phát triển bền vững.

Khánh Ninh