Giữ nghề chạm bạc truyền thống của người Dao Đỏ
Đồ thủ công chạm bạc từng là sản phẩm không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của đồng bào Dao Đỏ ở xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, qua thời gian, những món đồ trang sức bạc cũng như nghề thủ công truyền thống này đang mai một.
Tinh hoa văn hóa
Nghề chạm khắc bạc được coi là một nét đẹp truyền thống, chứa đựng tinh hoa văn hóa của người Dao Đỏ. Đồng bào quan niệm, nhà giàu không phải có nhiều trâu, bò, ruộng đất, mà là có nhiều bạc. Bạc không chỉ thể hiện sự giàu sang hay làm trang sức, điểm nhấn trên trang phục truyền thống, với người Dao Đỏ, ai mặc đồ có gắn nhiều trang sức bạc sẽ được may mắn, nhiều tài lộc, cuộc sống luôn sung túc, bình an.

Từ quan niệm như vậy, đời sống của người Dao Đỏ hầu như gắn với bạc. Khi đứa trẻ mới lọt lòng, ông bà, cha mẹ đã làm mũ đính những chiếc chuông nhỏ bằng bạc. Lớn lên, từng sự kiện quan trọng trong cuộc đời mỗi người, từ cưới hỏi, cúng lễ, đến ma chay đều có các sản phẩm được chế tác từ bạc. Đặc biệt, với phụ nữ Dao Đỏ, trang sức bạc luôn gắn với trang phục truyền thống, cũng là một trong những của hồi môn được bố mẹ chuẩn bị cho con gái khi về nhà chồng, là lễ vật mà bố mẹ chồng sẽ tặng con dâu mới... Chính vì thế, bạc mang những giá trị văn hóa đặc sắc, truyền từ đời này sang đời khác.
Qua quá trình phát triển, các sản phẩm bạc của người Dao Đỏ ở Vũ Minh đã đạt đến độ tinh xảo, được người dân trong vùng ưa chuộng. Có thời kỳ, nghề chạm bạc khá thịnh hành, các sản phẩm chạm bạc được mang bán tại các phiên chợ quanh vùng. Các sản phẩm chạm bạc vừa tinh tế, vừa đa dạng về chủng loại như: vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn, hoa cúc cài áo, hay những đồng tiền nhỏ xâu thành từng dải trang trí trên vạt áo truyền thống, hoa bạc, cúc bạc...
Trên các sản phẩm, người thợ thường sử dụng họa tiết, hoa văn mang hình hài, dáng dấp của tự nhiên như: mặt trời, cái búa, lưỡi liềm, con cá, hoa cỏ… gần gũi nhưng có ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Nét độc đáo của các sản phẩm bạc đồng bào Dao Đỏ ngoài hình khối sản phẩm, kiểu dáng, họa tiết hoa văn.. còn được thể hiện bằng thủ pháp xử lý sáng tối tinh tế, nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc trắng và sự kỳ công của người làm nghề.
Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, nghề chạm bạc nơi đây đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền; bà Lương Thị Ngư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vũ Minh cho biết, nghề chạm bạc truyền thống của người Dao Đỏ giờ chỉ là nghề phụ; cả xã chỉ còn duy nhất gia đình ông Lý Vần Sinh, xóm Lũng Chang duy trì nghề này. Lớp trẻ không muốn học nghề và gắn bó với nghề bởi thu nhập thấp; thị trường tiêu thụ khó khăn, chủ yếu là ở chợ phiên địa phương và làm theo đơn đặt hàng của khách. Mỗi sản phẩm chạm bạc cần sự đầu tư lớn về công sức và vốn nên không mấy người tiếp tục giữ nghề.
Bảo tồn nghề trong đời sống đương đại
Gia đình 4 đời làm nghề chạm bạc, tiếp xúc với nghề từ nhỏ, nghệ nhân Lý Vần Sinh cho biết: “trân trọng, tự hào về nét văn hóa của dân tộc, tôi đã duy trì nghề chạm bạc, dù có lúc khó khăn”. Với tâm huyết, tình yêu và trách nhiệm lưu giữ bản sắc của cha ông để lại, những năm qua, sản phẩm chạm bạc của ông vẫn được khách hàng tìm tới đặt, hoặc đến nghiên cứu, tìm hiểu về nghề.

Nghệ nhân Lý Vần Sinh cho biết, nghề chạm khắc bạc làm hoàn toàn thủ công, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ ở từng công đoạn, từ nung lửa đỏ, kéo bạc rồi chạm khắc hoa văn. Thông thường, để làm ra một bộ trang sức bạc mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều công đoạn như: đun chảy bạc để tạo khuôn, tạo hình sản phẩm, sau đó ghép các chi tiết tạo ra sản phẩm dáng thô và chạm trổ các chi tiết hoa văn phù hợp.
Ông Lý Vần Sinh ước tính, mất khoảng 1 tháng mới làm được một bộ trang sức bạc; 1 - 2 ngày để làm ra các món trang sức như vòng tay, hoa tai, nhẫn; khoảng 2 - 3 ngày để làm ra một chiếc vòng cổ cho phụ nữ; 5 - 7 ngày để tạo tác một bộ hoa cúc cài áo khoảng 150 chiếc; 7 - 10 ngày để làm một bộ xà tích, bởi đây là đồ trang sức tinh xảo và kỳ công nhất...
Để học được hết các công đoạn, cũng như chạm bạc, ông Lý Vần Sinh cho biết, người học nhanh cũng phải mất 3 năm, bình thường là 5 năm mới học xong những bước kỹ thuật cơ bản. Ngoài các kỹ năng cần thiết, người thợ còn phải thể hiện sức sáng tạo của mình trên các sản phẩm chế tác. Bởi vậy, bên cạnh khiếu thẩm mỹ, người chạm bạc cần có tính kiên trì cao, thực sự yêu nghề mới có thể làm được. Cũng vì thế mà thế hệ trẻ hiện nay không mặn mà với nghề chạm bạc truyền thống. Ông Sinh cho biết sẵn lòng truyền dạy cho những ai có đam mê với nghề nhưng đến nay chưa có ai đủ kiên trì và quyết tâm học chạm bạc!
Hiện nay, nhiều sản phẩm công nghiệp thay thế đồ thủ công, nghề chạm bạc không còn ở giai đoạn hưng thịnh, đang có nguy cơ thất truyền. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy nghề chạm bạc cần được quan tâm, không chỉ gìn giữ truyền thống văn hóa của người Dao Đỏ ở Vũ Minh, mà còn nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền và có giải pháp hữu hiệu để nghề chạm bạc có thể tồn tại trong đời sống đương đại, như: thực hiện chính sách cho vay vốn, thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào việc bảo tồn và phát triển nghề chạm bạc của người Dao Đỏ. Đồng thời, cần điều tra, khảo sát, tiến tới quy hoạch tổng thể phát triển nghề truyền thống. Đặc biệt, sớm có kế hoạch mở lớp truyền dạy nghề chạm bạc, cùng với chú trọng phát triển du lịch làng nghề, tổ chức các tour du lịch kết hợp với tham quan, mua bán sản phẩm giúp tăng đầu ra cho sản phẩm bạc... Những hoạt động này góp phần quảng bá giá trị độc đáo của chạm bạc, từ đó tạo thêm niềm tự hào và động lực để đồng bào Dao Đỏ giữ nghề truyền thống này.