Giữ mối liên hệ với cử tri: bài học từ cơ sở

Thanh Hà 08/04/2011 20:19

Năm 2010, Sơn La là một trong 5 tỉnh trong toàn quốc được chọn triển khai thí điểm hoạt động đổi mới công tác giữ mối liên hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri. Đây là một hoạt động thường xuyên nhưng đã áp dụng cách thức mới, công cụ mới, như phiếu xin ý kiến, tổ chức điều trần; chú trọng hình thức tiếp xúc theo chuyên đề… góp phần nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của đại biểu, của cơ quan dân cử ở địa phương.

Việc không dễ…

Là một tỉnh miền núi, địa hình cắt cứ giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tiếp xúc cử tri tại phần lớn các xã thuộc các huyện trong vùng ngập lòng hồ thuỷ điện Sơn La, đại biểu HĐND phải đi bằng thuyền, đi bộ hàng giờ; dân số phần lớn là người dân tộc thiểu số chiếm 78%, trình độ văn hoá không đồng đều... Chính vì vậy, để giữ được mối liên hệ với cử tri, được nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri trong điều kiện thực tế là rất khó khăn. Tuy nhiên, đối với mỗi đại biểu thì giữ mối liên hệ với cử tri là yếu tố sống còn trong việc thực hiện vai trò người đại diện và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Để xem xét quyết định chính xác các vấn đề quan trọng của địa phương, kịp thời, phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân thì bên cạnh việc xem xét báo cáo của các cơ quan chuyên môn phải lắng nghe và phản ánh kịp thời ý kiến cử tri về lĩnh vực mà HĐND xem xét quyết định. Đây là một kênh thông tin hết sức quan trọng cần thu thập đầy đủ, kịp thời phản ánh với HĐND. Điều này đòi hỏi phải giữ mối liên hệ thường xuyên và chặt chẽ với cử tri bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể, có hệ thống, mục đích rõ ràng, có sự đóng góp ý kiến của cử tri…

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn,  Thường trực HĐND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Dự án và trực tiếp điều hoà hoạt động liên hệ cử tri, với sự tham gia của các ngành, cơ quan, đơn vị và Thường trực HĐND các cấp. Trước mỗi một nội dung cụ thể, như: tiếp xúc cử tri chuyên đề về ma tuý, tổ chức hội nghị các bên liên quan, tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND..., Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành kế hoạch chi tiết và gửi giấy mời đến các thành phần tham dự; đồng thời Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh giúp Thường trực HĐND tỉnh điều hoà trong mọi hoạt động, liên hệ với cơ quan, đơn vị, HĐND các cấp chuẩn bị tốt công tác tổ chức hội nghị, như mời cử tri tham dự, chuẩn bị địa điểm... Với cách làm như vậy đã quy tụ được các thành phần tham gia giữa cơ quan ban hành chính sách với cơ quan tham mưu đề xuất ban hành chính sách và đơn vị, chủ thể cá nhân người chịu sự tác động về cơ chế chính sách trong quá trình thực hiện.

Sơn La đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề ban hành chính sách về ma tuý; tổ chức hội nghị các bên liên quan về Quy hoạch phát triển các cơ sở giáo dục, y tế, tư vấn sức khoẻ, các cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho thanh thiếu niên tỉnh Sơn La đến năm 2020; tiếp dân và giải quyết đơn thư với việc xây dựng lịch tiếp công dân hàng tháng, phân công rõ nhiệm vụ tiếp công dân cho Thường trực hoặc Trưởng, Phó các Ban chuyên trách trực tiếp công dân và duy trì thực hiện tốt lịch tiếp công dân định kỳ 1 - 2 lần/tháng; tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp.

Những nội dung được lựa chọn thực hiện liên hệ với cử tri nhằm ban hành cơ chế, chính sách hoặc giám sát là những vấn đề nổi lên cần được tập trung giải quyết, để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời bảo đảm giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, không ngừng đáp ứng nhu cầu của cử tri ngày một tốt hơn.

Lan tỏa niềm tin

Các hoạt động về giữ liên hệ giữa đại biểu và cử tri, đã giúp Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh Sơn La, nhất là đại biểu nhận biết được nhiều hơn những vấn đề để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và các vấn đề về an sinh xã hội cần được giải quyết trên nghị trường mà cử tri quan tâm. Qua các hoạt động liên hệ cử tri, đã giúp đại biểu HĐND có thêm nhiều thông tin như: đề nghị sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách đối với người nghiện ma tuý ở tỉnh Sơn La; Quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Sơn La; cơ chế, chính sách về thanh toán vốn đầu tư trong đầu tư xây dựng; thông tin về xây dựng quy hoạch ngành, nghề trên địa bàn tỉnh… Từ đó đã tạo lập được nhiều nguồn thông tin giúp đại biểu HĐND xem xét, thảo luận biểu quyết tại kỳ họp về các chính sách liên quan.

Mối liên hệ cử tri đã thúc đẩy sự hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan và người dân, luôn bảo đảm mỗi quyết sách của HĐND kịp thời, trúng, đúng, khả thi, bảo đảm phát triển kinh tế, chính trị, các vấn đề về an sinh xã hội và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân.

Các hoạt động liên hệ cử tri đã giúp tăng cường mối liên hệ hai chiều giữa đại biểu dân cử với cử tri, như từ khâu tiếp xúc cử tri để nắm bắt thông tin liên quan giúp cho việc ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách; qua tiếp xúc với cử tri đại biểu cũng chuyển tải những thông tin cần thiết để cử tri nắm bắt được kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là truyền tải được những yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cử tri quan tâm, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri đã đề đạt. Từ đó, làm cho mối quan hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri ngày càng trở nên không thể thiếu; củng cố lòng tin của nhân dân đối với đại biểu dân cử và HĐND ở địa phương.

Trên cơ sở những hình thức liên hệ cử tri có hiệu quả trên, HĐND tỉnh Sơn La sẽ mở rộng cho HĐND các cấp cùng thực hiện. Trong đó, HĐND tỉnh sẽ chú trọng hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, trực tiếp tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri trong từng hoạt động cụ thể, để phát hiện vấn đề chính xác, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin cho HĐND tỉnh để xem xét quyết định tại các kỳ họp. Tiếp tục tổ chức các hình thức tổ chức mối liên hệ với cử tri để nâng cao năng lực cũng như nhận thức cho đại biểu HĐND các cấp, tham gia sử dụng các hình thức và công cụ trong liên hệ cử tri, nhằm khắc phục chỉ tập trung ở Thường trực, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh trong việc thực hiện.

Các phương thức giữ mối liên hệ cử tri đã được áp dụng trong thời gian qua cần được tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện tốt hơn, nhất là trong việc sử dụng các công cụ mới, như phiếu xin ý kiến, tổ chức điều trần , tiếp dân tại huyện, thành phố, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, trực tiếp tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri trong từng hoạt động cụ thể... Có như vậy, phương thức giữ mối liên hệ với cử tri được đổi mới thực sự và trở thành công cụ hữu hiệu trong hoạt động của đại biểu và HĐND các cấp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giữ mối liên hệ với cử tri: bài học từ cơ sở
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO