Tìm hiểu thực tế trước khi nghe báo cáo
Là ĐBQH Khóa XI, đồng thời là Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, tôi tham gia nhiều chuyến đi khảo sát của Ủy ban tới các vùng miền trong cả nước. Tôi nhớ rõ khi khảo sát về nhà văn hóa ở một xã, tôi hỏi thì người dân cho biết, từ hồi làm đến giờ nhà văn hóa vẫn đóng cửa. Tôi cũng đã đến nhà văn hóa ở một huyện nhỏ của Hà Giang, xây rất to, nhưng không hoạt động, để dột, vì tiền được cấp đã xây nhà hết, trong khi hoạt động lại cần tiền điện, trang thiết bị… Một nhà văn hóa trong thành phố dân đông, tụ họp trong bán kính 1km, nhưng ở huyện miền núi, xã nọ cách xã kia vài cây số, dân thưa thớt, khó có điều kiện để phát huy hoạt động thường xuyên.
Tôi có đặt vấn đề tại sao không kết hợp, UBND xã có hội trường vừa để họp vừa là nhà văn hóa, nhà bưu điện, tập trung, lại chỉ làm một công trình. Phải học tập các cụ ngày xưa, đình làng là chốn tâm linh cũng là nơi làm việc của quan lại xã, vừa là nơi dân chúng cúng lễ, hội hè đình đám. Nhà văn hóa ngày nay không có cái sân nào, chỉ hai, ba gian thì sinh hoạt vào đâu? Nhà văn hóa địa điểm rất quan trọng, phải là trung tâm văn hóa, thể thao. Nếu ở cấp huyện thì phải kết hợp lại thành khu văn hóa thể thao, gồm thư viện, hội trường, nhà hát, sân thể thao… Bên cạnh đó, phải kết hợp sử dụng đình làng cho hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, có lẽ các chuyến khảo sát đó chưa thật hiệu quả, vì thực trạng đó cũng không thay đổi được là bao. Phải thay đổi cách thức thực hiện, có thể các đại biểu vào với dân để tìm hiểu thực tế, rồi mới nghe báo cáo, chứ cứ báo cáo rồi kết luận thì không giải quyết được vấn đề.
Mỗi kỳ họp QH thường thông qua nhiều luật, cho ý kiến về các dự thảo luật, và thường rất nhiều ĐBQH đăng ký phát biểu, nhưng nhiều đại biểu không được phát biểu vì hết thời gian. Tôi từng góp ý rằng, bàn về vấn đề nào, nên ưu tiên những đại biểu làm lĩnh vực đó phát biểu trước. Bàn về văn hóa phải dành cho nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa phát biểu trước; bàn về kinh tế phải ưu tiên các chuyên gia kinh tế; giao thông - vận tải phải tạo điều kiện cho những người làm giao thông vận tải nói trước… Tất nhiên, vấn đề nào ai cũng có thể biết, nhưng người trong ngành sẽ đi sâu, trúng vấn đề hơn.
Họa sĩ Trần Khánh Chương (phải) | Ảnh: Hoàng Hà |
Nên có Hội cựu ĐBQH
Khi là ĐBQH, tôi nhận được nhiều đơn thư của cử tri, tuy nhiên không có thư ký, đơn từ đến tôi chỉ kính chuyển, đơn vị được chuyển có trả lời hay không ĐBQH cũng không biết. Tôi nhận được đơn và cũng không thể điều tra xem điều đó có đúng không… Do đó, theo tôi các ĐBQH khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở các nước khác, như tại Anh, ĐBQH ứng cử ở tỉnh thành nào, sau khi họp phải về trụ sở của ĐBQH tỉnh đó. Ví dụ, tôi ở Hà Nội, nếu ứng cử ở Sóc Trăng, sau khi họp QH thì phải về Sóc Trăng trực ở đó. Mỗi đại biểu có văn phòng tiếp dân, có nhân viên, hầu hết là luật sư, để tư vấn, bởi có quá nhiều vấn đề từ y tế, hàng không, đến hàng hải, luật quốc tế… không phải vấn đề nào ĐBQH cũng am hiểu hết. Bên cạnh đó, ĐBQH phải có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trả lời những vấn đề cử tri quan tâm, có chế tài để buộc họ phải trả lời, giải quyết. Đại biểu cũng phải có quyền tự tìm hiểu điều tra vấn đề mà cử tri quan tâm, để góp phần giải quyết…
Tôi từng góp ý thành lập Hội cựu ĐBQH. Từ năm 1946 đến nay có khoảng 5.000 ĐBQH, hiện còn khoảng hơn 2.000 người và tiếp tục được bổ sung sau mỗi nhiệm kỳ, Hội sẽ là nơi gắn kết họ. QH có thể sử dụng những người trong Hội vào việc góp ý xây dựng luật, bởi đó là những người đã có 1 - 2 khóa, thậm chí 3 khóa là ĐBQH. Có thể khóa trước xây dựng luật này, khóa sau sửa đổi, bổ sung luật... Bên cạnh tận dụng trí tuệ của các ĐBQH, việc lập và sinh hoạt Hội sẽ giúp nhắc nhở trách nhiệm của ĐBQH, cho dù là “cựu” thì vẫn phải giữ phẩm chất của ĐBQH.
Theo ĐBQH Khóa XI Trần Khánh Chương, QH cần những người ưu tú, có tâm, có tài, có danh tiếng bằng hoạt động thực tiễn và tâm huyết, không nên chỉ đưa vào trên tinh thần đúng quy trình, cơ cấu. Khi là ĐBQH, tôi rất ấn tượng với bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, một người có cách làm việc rõ ràng, mạch lạc, tình cảm, nhưng rất “rắn”, có trí tuệ. “Khóa X, tôi ứng cử ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, dù không trúng nhưng tôi vẫn rất hài lòng. Chưa từng vào Sóc Trăng, nhưng chỉ trong nửa tháng nghe họ phát biểu về tình hình địa phương và qua tìm hiểu thực tế, tôi đã viết một bản nhận xét mà sau này Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Sóc Trăng cho biết, là bản nhận xét hay nhất trong số ứng cử viên ở đó, nắm đúng tình hình và đề cập đúng những vấn đề mà Sóc Trăng cần hành động. Bản nhận xét đó còn được đưa ra đọc tại HĐND tỉnh”. |