Giữ lửa gốm Bàu Trúc

PHẠM DUY 16/04/2018 08:55

Trong một thời gian dài, làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận), một trong hai làng gốm thủ công cổ nhất Đông Nam Á, gần như bị lãng quên bởi quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Trước những khó khăn và dấu hiệu mai một của gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều biện pháp giữ lửa làng nghề.

Giữ lửa làng nghề

Hai tay thoăn thoắt nặn bình hoa, nghệ nhân Trượng Thị Gạch (78 tuổi) kể: Cách đây khoảng một nghìn năm, vợ chồng ông tổ Poklong Chanh dạy phụ nữ trong làng làm gốm để phục vụ các nghi lễ và làm vật dụng trong gia đình. Từ ngàn xưa, người dân đã truyền nhau bí quyết pha trộn đất sét dẻo với cát mịn theo một tỷ lệ phù hợp để cho ra đời những sản phẩm gốm hữu dụng nhất. Bản thân bà cũng được truyền nghề từ năm lên 8 tuổi và theo cho đến giờ. “Dù không làm giàu được từ nghề gốm nhưng tôi cũng rất tự hào vì vừa có được cuộc sống ổn định, vừa phát huy được nghề tổ tiên truyền lại”, bà Gạch chia sẻ.

Cư dân Bàu Trúc là người dân tộc Chăm theo chế độ mẫu hệ nên thường chỉ có con gái mới được người mẹ truyền những bí kíp làm gốm. Ngày nay, để bảo tồn và phát huy được nghề truyền thống, bà con đã vượt qua chế độ mẫu hệ, truyền nghề cho cả con trai. Nhu cầu về sản phẩm gốm mỹ nghệ hiện nay không phải chỉ là tượng, ấm chén, bình hoa nhỏ… mà nhiều du khách muốn đặt những bình hoa cao đến 1,8m. Những sản phẩm lớn như vậy phải có sự kết hợp giữa nghệ nhân nam và nữ để tận dụng được sức khỏe, sự dẻo dai của nam giới và sự tỉ mẩn, khéo léo của nữ giới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy khảo sát làng nghề gốm Bàu Trúc Ảnh: Phạm Duy
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy khảo sát làng nghề gốm Bàu Trúc
Ảnh: Phạm Duy

Nghệ nhân trẻ Phú Hữu Kate cho biết, nguyên liệu làm gốm là đất sét mịn, có độ dẻo cao được làm sạch, nếu chỉ lẫn một chút cát thô hoặc sạn, thì sản phẩm sẽ bị nứt, hỏng. “Đất sét lấy về được đập nhuyễn, ngâm nước, sau đó là công đoạn nhồi đất, làm gốm”, nghệ nhân Phú Hữu Kate kể. “Gốm nặn xong đem phơi chỗ mát, khi khô ráo thì chọn ngày nắng đem nung lộ thiên bằng củi và rơm trong 6 - 8 giờ đồng hồ. Khi gốm chín, nếu là sản phẩm thô cứ để nguyên trên lò, còn sản phẩm mỹ nghệ cần cho ngay gốm vào nước để có màu đỏ đẹp”.

Nghệ nhân Trượng Thị Gạch cho biết thêm, cái hồn của gốm Bàu Trúc chính là sự kết hợp giữa đất - cát - nước - lửa. Tuy nhiên, bởi làm thủ công nên không phải lần nào sản phẩm cũng được như mong muốn. Mỗi lần sản phẩm bị hỏng, thợ gốm phải làm lại từ đầu, nhất là với những mẫu mã được khách đặt trước.

Gốm Bàu Trúc vươn xa

 Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm ở Bàu Trúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tháng 6.2017.

Dẫn đoàn công tác của Ban Công tác đại biểu đi khảo sát làng nghề gốm Bàu Trúc, ĐBQH tỉnh Ninh Thuận Đàng Thị Mỹ Hương giới thiệu đầy tự hào: “Làng Bàu Trúc quê ngoại của mình như là làng của Thạch Sanh vậy. Đất sét bị lấy đi lại được phù sa bồi đắp nên mãi không hết. Đặc biệt chỉ có đất sét của làng lấy từ khu vực sông Quao mới làm được gốm, còn đất nơi khác không thể làm được”.

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Thuận, đến thời điểm này, tỉnh đã xây dựng được làng nghề gốm Bàu Trúc truyền thống với 4 công ty, 1 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác và 150 hộ, thu hút hơn 400 lao động tham gia, chiếm gần 80% số hộ gia đình trong làng theo nghề. Tổng doanh thu làng nghề hàng năm đạt trên 10 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng gần 2 triệu đồng.

Đặc biệt, cuối năm 2014, trong một lần đến Bàu Trúc tham quan, kiến trúc sư Trần Hùng (Việt kiều Mỹ) đã khởi động dự án đưa gốm Bàu Trúc vào trang trí tại khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở Mỹ. Chuyến hàng đầu tiên với hơn 500 mặt hàng gốm mỹ nghệ như tượng thần Siva, tượng thần Ganesa, phụ nữ cầu mưa, phù điêu Apsara, thiếu nữ múa Apsara, đèn lồng các loại... đã được đóng kiện xuất khẩu sang Mỹ. Hiện nay, gian trưng bày và bán các sản phẩm gốm Bàu Trúc tại California, Texas và Arizona thu hút lượng lớn người dân đến xem và mua hàng. Đến thời điểm này, trung bình mỗi năm có hàng chục nghìn sản phẩm xuất đi các nước hoặc du khách quốc tế mua làm kỷ niệm khi đến thăm làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc.

Tại cuộc khảo sát, Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy đánh giá cao việc bảo tồn và phát huy làng nghề gốm cổ truyền thống, nhất là địa phương đã xây dựng được trung tâm làng nghề hết sức khang trang, tạo việc làm cho người dân và đưa gốm Bàu Trúc ra thế giới. Đây cũng là cơ hội để góp phần đưa hình ảnh đẹp của đất nước, con người Việt Nam gần hơn với bàn bè quốc tế.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giữ lửa gốm Bàu Trúc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO