Giữ hương sắc riêng cho mỗi vùng nông thôn

Thảo Nguyên 20/12/2022 06:29

Việc áp dụng những tiêu chí chung cho cả nước, cộng đồng, tộc người trong quá trình xây dựng nông thôn mới có nguy cơ làm mai một bản sắc, “đồng phục hóa” văn hóa nông thôn như nhiều đại biểu đã chỉ ra tại Hội nghị Văn hóa 2022.

Mai một nhiều giá trị truyền thống

Khẳng định Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam ở nhiều khía cạnh, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng chỉ ra rằng: qua thực tế nghiên cứu nhận thấy rõ hạn chế trong việc chúng ta áp dụng một bộ tiêu chí chung cho cả nước, cho các cộng đồng, cho tất cả các tộc người. Có ít sự linh hoạt, sự chen vào trong các tiêu chí nông thôn mới cho các đặc trưng văn hóa địa phương, cho tri thức của các cộng đồng, tộc người.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, việc áp dụng cứng nhắc các tiêu chí đã loại bỏ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, như tiêu chí nhà ở với "3 cứng" (khung/tường cứng, mái cứng, sàn cứng) đã loại bỏ nhiều thực hành văn hóa truyền thống liên quan đến nhà ở và phong tục của người dân. Những ngôi nhà sàn của người Thái ở Sơn La, những ngôi nhà trình tường của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, người Hà Nhì ở Lào Cai hay những ngôi nhà của người Mông ở Lạng Sơn, Sơn La… đều được xem là chưa đạt chuẩn. Nhiều hộ gia đình được vận động để phá bỏ ngôi nhà truyền thống của mình để xây những ngôi nhà đạt tiêu chuẩn 3 cứng và có 3 công trình hợp vệ sinh.

Trong khi đó, những ngôi nhà truyền thống, ví như nhà trình tường được xem là “mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông”, hay nhà của người Mông chứa đựng cả một vũ trụ quan tộc người (mái nhà và bộ khung đỡ mái nhà được xem như đại diện của bầu trời, nền đất trong nhà đại diện cho thế giới tự nhiên, con người và các sinh vật nằm ở khoảng giữa trời và đất). Ngôi nhà cũng chứa đựng niềm tin của người Mông về các vị thần trú ngụ trong ngôi nhà (thần cửa chính, thần bếp chính, thần bếp phụ, thần của cải, thần buồng…), nếu người Mông xây ngôi nhà theo chuẩn nông thôn mới thì không gian thiêng trong ngôi nhà truyền thống của họ sẽ mất đi và theo đó là vũ trụ quan và niềm tin tâm linh của họ cũng sẽ bị mai một.

Hay việc áp dụng tiêu chí về nông thôn mới sáng - xanh - sạch - đẹp đã khiến cho nhiều cộng đồng phải bỏ đi những hàng rào gắn liền với ngôi nhà truyền thống của họ. Ví như tại các bản người Tày, Nùng ở Lạng Sơn, mỗi ngôi nhà đều có hàng rào bằng các loại cây, cành (cúc tần, xương rồng, cành cọ khô…) hay ở nhiều xã thuộc Nam Đàn (Nghệ An), Cao Lộc (Lạng Sơn), Phù Yên (Sơn La)… nhà dân thường được bao bọc bởi những bức tường đất, đá rêu phong rất đẹp. Tuy nhiên, những hàng rào cây, bức tường rêu phong ấy đang được phá đi, thay bằng tường gạch kiên cố và sơn hoặc quét vôi cho sáng lên để đáp ứng đúng tiêu chí...

“Chúng ta áp dụng một mô hình, một tiêu chí thì sẽ có nguy cơ (mà thực tế đã và đang diễn ra) làm mất đi hệ thống tri thức bản địa, tri thức của một số tộc người thiểu số. Đây là điều đáng tiếc khi chúng ta nhìn về văn hóa nông thôn, văn hóa dân tộc thiểu số” - PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm nhận định.

Tạo
Tạo "cốt" mới, nhưng giữ "hồn" văn hóa nông thôn
Ảnh: nguoidothi.net.vn

Bản sắc của văn hóa Việt Nam nằm ở nông thôn

KTS. Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, trong quy hoạch chi tiết nông thôn nên có thêm phần luận chứng về thẩm mỹ nông thôn. “Chúng ta mới chỉ có văn hóa, văn minh đô thị hình thành và phát triển khoảng hơn 100 năm, phần lớn văn hóa của chúng ta ở nông thôn. Trong khi đó, thành tựu của nông thôn mới thiên về lượng, thời gian tới chúng ta cần thiên về chất. Những luận chứng về thẩm mỹ như đường làng, ngõ xóm, cây xanh, mặt nước... đơn giản nhưng hình thành nên tình làng nghĩa xóm của người Việt. Vườn của chúng ta có rau, quả ăn được, miễn làm sao cho đẹp... Bản sắc của Việt Nam ở đó, trữ lượng nằm ở nông thôn là chính. Chúng ta nên có luận chứng thẩm mỹ kèm theo quy hoạch chi tiết nông thôn. Như vậy quy hoạch kiến trúc mới thực sự là hoa của đất, mỗi vùng nông thôn có hương sắc riêng”.

KTS. Hoàng Thúc Hào phân tích: bản chất quá trình đô thị là liên tục; đô thị hóa là đô thị hóa ra phần của nông thôn. Nếu chúng ta kiểm soát vùng nông thôn tốt, có khả năng tự cân bằng và điều chỉnh về sinh thái và văn hóa thì khi đô thị tiến ra nông thôn, phần tiếp giáp giữa đô thị và nông thôn có khả năng tự cân bằng rồi, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực. Bên cạnh đó, lâu nay ta áp dụng một mô hình thiết kế cho rất nhiều vùng, huyện, xã, thôn, bản, mẫu nhà nông thôn mới, mẫu nhà chống lũ... Hội Kiến trúc sư Việt Nam sẽ đề nghị xem lại chuyện này để có mẫu thiết kế linh hoạt, thay đổi, phù hợp với văn hóa từng vùng, miền, địa phương.

Trăn trở về bản sắc nông thôn đang ít nhiều phai nhạt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: “khi tôi đi thực tế nhiều nơi trong cả nước để tham quan về nông thôn mới, có bí thư xã dẫn tôi đi một vòng và nói: quê em giờ y như Hà Nội! Một niềm tự hào. Nhưng nếu y như Hà Nội thì chắc người Hà Nội không bao giờ về đây! Có lẽ chúng ta đang lẫn lộn. Chúng ta cứ nghĩ đô thị là văn minh, giàu có, hạnh phúc, nhưng thực sự điều đó bắt đầu ở nông thôn...”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với các nhà văn hóa, kiến trúc sư sẽ nghiên cứu định vị lại, chuẩn hóa các tiêu chí, để nông thôn mới tạo dựng “cốt” mới nhưng vẫn giữ được “hồn” cũ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giữ hương sắc riêng cho mỗi vùng nông thôn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO