Giữ hồn phố thị trong dòng chảy hiện đại

Hơn một thế kỷ qua, kiến trúc đô thị Đông Dương vẫn là dấu ấn tô điểm cảnh quan nhiều thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Lạt… Các công trình không chỉ phản ánh quá trình giao thoa giữa kiến trúc truyền thống Việt và phong cách phương Tây mà còn chứa đựng giá trị lịch sử, kinh tế quan trọng.

Kiến trúc Đông Dương - một phần bản sắc đô thị

Ngày nay, mọi người vẫn thường gọi chung các công trình xây dựng thời kỳ Đông Dương, do kiến trúc sư Pháp thiết kế là kiến trúc Pháp hay kiến trúc thuộc địa. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, nên gọi là kiến trúc Đông Dương, hay đúng hơn là kiến trúc Pháp - Đông Dương, vì chúng vừa mang dấu ấn văn hóa Pháp, vừa có nhiều đường nét hòa quyện với văn hóa bản địa, đồng thời thích ứng với khí hậu địa phương. Mặt khác, nhiều công trình tuy lấy cảm hứng từ các nguyên mẫu ở Pháp hay châu Âu, song đấy vẫn là những công trình sáng tạo của người Pháp ở hải ngoại trên cơ sở học hỏi kiến thức quốc tế cũng như lịch sử và văn hóa nước sở tại.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiền thân là Bảo tàng Louis Finot - một trong những công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc Đông Dương. Nguồn: BT
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiền thân là Bảo tàng Louis Finot - một trong những công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc Đông Dương. Nguồn: BT

Trải qua lớp phủ thời gian, sau biến động chính trị, kinh tế - xã hội, khá nhiều kiến trúc Pháp - Đông Dương không còn nữa hoặc đã hao mòn. Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến ngậm ngùi nhắc tới ngôi nhà số 10 Hàng Đào, Hà Nội, từng là địa điểm của trường Đông Kinh Nghĩa Thục xưa giờ là nơi buôn bán, phòng triển lãm tranh, không hề có biển lưu niệm. Hay ở Thành phố Hồ Chí Minh, tên gọi Hòn ngọc Viễn Đông trước năm 1945 cũng đã lui vào quá khứ. Một số công trình từng là cảnh quan tiêu biểu của Sài Gòn xưa như thương xá Eden, thương xá Tax… đã bị xóa sổ.

Đặc biệt, trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều công trình kiến trúc Đông Dương bị biến đổi quá mức hay bị thay thế bởi các công trình hiện đại. Đây là thách thức lớn đặt ra cho công tác bảo tồn, phát triển kiến trúc đô thị giàu bản sắc. Bởi lẽ, việc bảo tồn di sản kiến trúc Đông Dương không chỉ là bảo vệ một phần lịch sử, mà còn là bảo vệ di sản của tương lai. Khi cần chỉnh trang, xây dựng mới đô thị này trong thế kỷ XXI, các nhà hoạch định chính sách và chuyên môn không thể không tìm hiểu gia sản quy hoạch và kiến trúc của các thế hệ trước.

Di sản không phải chỉ để ngắm nhìn mà còn là kinh tế. Theo nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, giá trị kinh tế là một trong những khía cạnh quan trọng nhưng còn ít được đề cập khi nói về di sản kiến trúc Đông Dương. Tiềm năng đó không chỉ nằm ở lớp vỏ kiến trúc mà còn là những giá trị phi vật thể, có thể mang lại các ý tưởng và kinh nghiệm để áp dụng vào nhiều hoạt động của thành phố trong hiện tại và tương lai. “Trong số này, có các hoạt động của kinh tế xanh, kinh tế di sản là trào lưu đang phổ biến ở nhiều nước, góp phần không nhỏ cho việc tôn vinh văn hóa bản sắc và nguồn thu nhập của các đô thị và quốc gia”, nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến chỉ ra.

Thích ứng và hòa nhập

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh phát triển kinh tế với nhiều lĩnh vực cần ưu tiên như hiện nay, di sản kiến trúc Đông Dương là một phần rất nhỏ. Song nhìn rộng ra câu chuyện kiến trúc ở đây không chỉ là cái đẹp di sản thuần túy mà còn có ý nghĩa giúp nhìn nhận và hành xử với các đô thị, là cách để các thành phố duy trì bản sắc khi đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng. Một số mô hình tái thiết di sản theo hướng sáng tạo đã được áp dụng thành công ở nhiều nước. Đơn cử tại Singapore, các tòa nhà cổ được cải tạo thành không gian văn phòng, khách sạn boutique hoặc trung tâm sáng tạo mà vẫn giữ nguyên cấu trúc gốc. Đây có thể là những gợi ý hữu ích trong việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.

Trên thực tế, ở Việt Nam những năm gần đây, cùng với các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, nhiều giải pháp bảo tồn di sản đô thị, lấy đó làm nền tảng thúc đẩy sáng tạo, đem lại lợi ích bền vững đã được đưa ra. Như việc bảo lưu các khu phố cổ, công trình lịch sử kết hợp thiết kế các tour chuyên đề để khách du lịch tham quan, tìm hiểu về kiến trúc Đông Dương, vẻ đẹp của các công trình kiến trúc Pháp… Hay mô hình bảo tồn thích ứng cho phép đưa thêm chức năng mới hoặc điều chỉnh một cách thích hợp chức năng cũ của công trình nhằm đáp ứng được yêu cầu sử dụng hiện tại nhưng không làm sai lệch các giá trị vốn có của di sản… Tuy nhiên, những việc làm này vẫn gặp nhiều rào cản về cơ chế, kinh phí và nhận thức.

Theo TS. KTS. Lê Phước Anh, Trưởng khoa Kiến trúc, Đô thị và Khoa học bền vững, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận diện đúng và ứng xử phù hợp vẫn luôn là việc làm cần thiết để gìn giữ và phát huy những giá trị hàm chứa trong di sản. Rất may là hôm nay, chúng ta đã có đủ khoảng lùi về thời gian để nhìn nhận về ký ức đô thị cũng như cách chúng ta ứng xử với kiến trúc Đông Dương. Quan trọng, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị không chỉ dừng lại ở các công trình cụ thể mà còn bao gồm cả cách nhìn, sự nhạy cảm, tinh tế của mỗi cá nhân đối với những công trình kiến trúc trong thành phố mình sinh sống.

“Cần nhìn nhận di sản kiến trúc như một phần của đô thị sống động, nơi quá khứ và hiện tại song hành. Giữ gìn di sản phải hiểu về di sản, phải trau dồi khả năng cảm thụ nghệ thuật, thấy được cái hay, cái đẹp của di sản. Từ đó, chúng ta mới có cách tiếp cận linh hoạt, kết hợp bảo tồn với phát triển để tăng giá trị của di sản, để di sản có thể hòa vào đời sống đương đại”, TS. KTS. Lê Phước Anh nói.

Văn hóa - Thể thao

Bộ đội Trường Sơn đẩy mạnh công tác hậu cần cho chiến trường miền Nam chống Mỹ, cứu nước
Văn hóa - Thể thao

Tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác bảo đảm hậu cần đóng vai trò quan trọng; lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội ta huy động lực lượng lớn, hiệp đồng quân, binh chủng tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công.

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai
Văn hóa - Thể thao

Tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần thứ hai

Tối 22.4, tại trục đường Lê Duẩn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Tiểu ban diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) tổ chức tổng hợp luyện lần cuối trước khi sơ duyệt và tổng duyệt cấp Nhà nước của các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm.

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO
Văn hóa

Festival Phở 2025: Sự kiện văn hóa nổi bật trên hành trình công nhận di sản của UNESCO

Festival Phở 2025 đã chính thức khép lại, để lại trong lòng người tham dự những dư âm khó phai về một sự kiện văn hóa đậm chất Việt. Không chỉ là một lễ hội ẩm thực, Festival Phở 2025 còn là một hành trình tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, lan tỏa tinh thần Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Với sự tham gia của hàng nghìn khách du lịch và thực khách trong nước, ngoài nước, lễ hội đã khẳng định vị thế của phở - món ăn quốc hồn quốc túy trên bản đồ ẩm thực toàn cầu, đồng thời khắc họa sâu sắc câu chuyện về con người, lịch sử và bản sắc Việt Nam.