Giữ gìn then cổ
“Người già qua đường nghe tiếng then/ Về nhà tóc bạc biến thành đầu trai trẻ…”. Xin mượn câu nói của người Tày để khơi nguồn giá trị một di sản phần nhiều còn khuất lấp dưới bóng cây rừng, đá núi. Cuộc trò chuyện với nghệ nhân NGUYỄN VĂN BÁCH xoay quanh công việc bao năm anh miệt mài theo đuổi để gợi vấn đề bảo tồn, quảng bá then cổ.
Hiểu đúng về then
- Năm 2017, anh từng cùng đoàn nghệ nhân do NSƯT Triệu Thủy Tiên làm Trưởng đoàn đem then sang Paris, Pháp. Anh có thể chia sẻ đôi chút về cuộc “xuất ngoại” này?
“Muốn được quốc tế ghi nhận thì cộng đồng phải ghi nhận trước. Cộng đồng ở đây không chỉ là dân tộc Tày, Nùng, Thái mà phải là cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhưng trên cả việc ghi nhận, then phải được tồn tại đúng nghĩa”. Nghệ nhân Nguyễn Văn Bách |
- Với sự kết nối và giúp đỡ của Viện Văn hóa thế giới Paris, đoàn sang Pháp trình diễn chương trình “Then Tày và Nùng” trong Lễ hội Âm nhạc thế giới. Chuyến đi quy tụ các nghệ nhân có tiếng ở Cao Bằng, Lạng Sơn… giới thiệu 12 trích đoạn nghi lễ then. Đó là vinh dự lớn với chúng tôi được đưa di sản ra quốc tế. Dự định chỉ 2 buổi diễn nhưng các nhà văn hóa, nghiên cứu âm nhạc ở Pháp sau khi xem đề nghị tổ chức thêm một cuộc gặp gỡ với nghệ nhân.
- Điều gì khiến anh ấn tượng trong cuộc gặp ấy?
- Ấn tượng nhất là sự trân trọng và quan tâm của khán giả với then. Hội thảo kéo dài hơn 3 tiếng, học giả hỏi rất nhiều, từ trang phục, lễ nghi, giai điệu đến môi trường văn hóa, cả những chi tiết nhỏ như ý nghĩa hoa văn trên trang phục hay sự giống nhau giữa then với loại hình dân ca khác... Điều đặc biệt nữa là bữa ăn do họ chuẩn bị cho đoàn toàn đồ chay, cho thấy sự am hiểu người làm nghề tâm linh nói chung và then nói riêng.
- Cuối tháng 4 vừa qua, tại Hà Nội, anh cùng các nghệ nhân tiếp tục mang tới không gian then như thế…
- Đó là chương trình “Câu Then Việt Bắc” đậm màu sắc “then”, từ nghệ nhân, trang phục, đồ lễ đến không gian diễn xướng (hát không micro). Nhiều người vẫn nghĩ then là điệu giao duyên, là bài hát của cô gái, chàng trai với cây đàn tính trên nương rẫy, bên bờ suối, núi đá thôi. Buổi diễn ở phố cổ Hà Nội, không ít người ngạc nhiên nhận ra còn có then nghi lễ… Đó cũng là lý do thôi thúc chúng tôi suy nghĩ, có trách nhiệm làm mọi người hiểu thêm, hiểu đúng về then.
- Liệu rằng chỉ thông qua các trích đoạn, mọi người có thể hiểu thêm, hiểu đúng về then, thưa anh?
- Có hai dòng then hiện diện trong làng bản là then mới hay then cải biên và then cổ tức then nghi lễ. Then nghi lễ phải gắn với tâm linh, thủ tục cúng bái bài bản. Đưa lên sân khấu không thể trọn vẹn nghi lễ kéo dài 10 - 15 tiếng mà quan trọng tạo điểm nhấn để khán giả hiểu được. Then yêu cầu sự mộc mạc, cảm hứng của nghệ nhân có tính quyết định sự thăng hoa giọng điệu lời ca, nên vấn đề là nghiên cứu kỹ xem chọn trích đoạn nào, trích đoạn ấy yêu cầu những gì…
- Anh nhận định thế nào nếu so sánh then mới và then cổ?
- Không thể nói then cổ hơn then mới hoặc then mới hơn then cổ. Cả hai đều giá trị bởi nó hình thành trong lòng dân tộc. Then mới có giá trị cao về nghệ thuật, khán giả biết đến then chính nhờ then mới. Còn then cổ sống tại làng bản, có giá trị di sản, chứa đựng tính văn hóa, tâm linh và đặc biệt giá trị về ngôn ngữ, lịch sử. Những gì tinh túy, cao đẹp nhất trong ngôn ngữ Tày, Nùng đều tập trung vào then. Nghiên cứu then là hiểu về đời sống tinh thần người Tày, Nùng.
![]() Nghệ nhân Nguyễn Văn Bách trong một trích đoạn then cổ |
Tỏa ra cộng đồng
- Không biết con đường đến với then của anh như thế nào?
- Tôi là người dân tộc Nùng, quê ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, Lạng Sơn. Đó là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát then, cũng là quê hương của điệu then “Tò mạy” nổi tiếng. Tôi đã đắm mình trong điệu ca ấy, từ lời ăn, tiếng nói, nếp nghĩ… rồi đam mê, học then với bà, với mẹ, các nghệ nhân. Trở thành giảng viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Việt Bắc, lại nối tiếp người đi trước dạy học trò đàn hát then.
- Được sống giữa linh thiêng then cổ và sự dìu dặt then mới, anh thấy dạy hát then cho sinh viên có khó không?
- Hiện có 3 nơi đào tạo hát then là Trường CĐ VHNT Việt Bắc, Trường ĐH VHNT Quân đội và Trường Trung cấp VHNT Lạng Sơn. Then đã sống với cộng đồng Tày, Nùng bao đời và hiện tại vẫn có sức sống trong bản làng, tuy nhiên, đưa vào giảng dạy thì đáng băn khoăn là ngôn ngữ. Số lượng người nói chuẩn tiếng dân tộc hiện không nhiều. Dù là người Tày, Nùng cũng chỉ dừng ở mức giao tiếp thường ngày, còn những câu văn hoa, hàm ý thì nhiều người không hiểu. Ngôn ngữ trong then giàu cảm xúc và văn hoa nên mất mát ngôn ngữ tất yếu dẫn đến không hiểu lời then. Hơn nữa, nhiều bạn trẻ chưa từng tiếp xúc với nghi lễ then, chưa được sống trong môi trường then cũng không diễn đạt hết ý nghĩa của then.
- Một số nghệ nhân cho biết, xưa các ông thầy, bà thầy thường giấu nghề, không muốn lộ bí kíp của mình, còn bây giờ luôn sẵn lòng truyền dạy…
- Sự giấu nghề của các thầy là hiện tượng có thật, có lẽ xuất phát từ ý muốn giữ ngón, sợ cạnh tranh và thời kỳ chống mê tín dị đoan, nhiều nghệ nhân ngại mang nghề ra vì sợ quy là mê tín… Bây giờ cởi mở hơn, nghệ nhân sẵn lòng truyền nghề nhưng dạy thế nào phụ thuộc nhiều yếu tố. Then nghi lễ gắn với tâm linh nên nhiều nghệ nhân ngại trình diễn trên sân khấu hoặc truyền dạy vì sợ vi phạm điều kiêng kỵ. Bên cạnh đó, cần nhìn ra tác động của nhịp sống đô thị. Một nghi lễ then ít cũng 5 - 7 tiếng, dài thì 10 - 15 tiếng, nhiều gia đình không thể phục vụ được ngần ấy thời gian, buộc lòng nghệ nhân phải rút ngắn. Tôi biết có những thầy then hành nghề rất bài bản nhưng người ta không mời vì lễ dài quá, gia chủ không theo được.
- Những câu chuyện như vậy e rằng sẽ làm mất mát di sản?
- Cái gốc của then là tâm linh, chừng nào còn tin vào yếu tố tâm linh thì then vẫn sống. Tuy nhiên, nó có thể biến tướng do nghệ nhân già mất đi, nghệ nhân trẻ không nắm bài bản nên làm sai, không đầy đủ, hay tình trạng tôi vừa nói. Vậy nên phải có sự chung tay của cộng đồng và Nhà nước giữ vai trò xúc tác, kết nối, thông qua lớp học để đưa then đến với giới trẻ, khuyến khích đưa trích đoạn nghi lễ lên sân khấu để mọi người hiểu về then.
- Xin cảm ơn anh!