Giữ giá trị truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam

Nhìn nhận đầy đủ giá trị cũng như bất cập, hạn chế và sự biến đổi của kiến trúc Phật giáo trong giai đoạn hiện nay là cách để các công trình kiến trúc Phật giáo bảo tồn, gìn giữ tính truyền thống.

Kho tàng di sản kiến trúc đồ sộ

Theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 18.000 ngôi chùa của các hệ phái Bắc tông, Nam tông, Khất sỹ, Nam tông kinh, Hoa tông. Tại hội thảo khoa học "Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng" ngày 15.4, các đại biểu đều nhận định khối di sản kiến trúc Phật giáo này có vai trò quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. 

Giữ giá trị truyền thống vốn có -0
Hội thảo khoa học "Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng", ngày 15.4

Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, TS. Nguyễn Văn Đoàn, những đặc trưng của kiến trúc Phật giáo Việt Nam thể hiện qua các mặt bằng tổng thể, bố cục và bài trí tượng pháp, phong cách nghệ thuật điêu khắc, trang trí vật liệu, kỹ thuật tạo tác được khởi nguồn từ những quan niệm nhân sinh và thế giới quan Việt Nam.

Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, tùy từng vùng, miền, hệ phái, điều kiện vật chất, môi trường tự nhiên và đối tượng, cách thức thờ phụng khác nhau tạo nên bố cục mặt bằng tổng thể, công năng sử dụng, kết cấu kiến trúc, nghệ thuật trang trí… cũng rất phong phú, đa dạng và chứa đựng nét đẹp độc đáo. 

"Tất cả, truyền thống và cách tân, theo thời gian đã tạo nên hệ thống công trình kiến trúc Phật giáo vừa đa dạng về loại hình, vừa phong phú về nội dung và hình thức mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Có thể nói, hệ thống kiến trúc Phật giáo vừa đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, lại là những công trình có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật điêu khắc, trang trí", TS. Nguyễn Văn Đoàn nhận định. 

Biến đổi và gìn giữ

Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thọ Lạc cho biết, năm 2021, Ban đã tiến hành 3 chuyến khảo sát kiến trúc Phật giáo Việt Nam, khảo sát hơn 130 ngôi chùa ở 3 miền Bắc, Trung, Nam thuộc các hệ phái khác nhau. Từ đó đã bước đầu nhận diện khái quát đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng như những chiều hướng biến đổi trong bối cảnh mới. 

Giữ giá trị truyền thống vốn có -0
Kiến trúc Phật giáo Việt Nam đang có sự biến đổi đa dạng - Ảnh tư liệu tại Triển lãm "Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng"

Có thể thấy, càng những giai đoạn sau, kiến trúc Phật giáo Việt Nam càng phát triển về số lượng và biến đổi theo sự phát triển của xã hội. Việc cải tạo, mở rộng công năng công trình cũ hay xây dựng công trình tự viện mới hầu như theo chiều hướng phát triển bề thế, quy mô rộng lớn hơn, kèm theo những du nhập kiến trúc, trang trí, văn hóa nước ngoài...

Bên cạnh sự phát triển phong phú và đa dạng, thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng tồn tại nhiều bất cập. Nhiều ngôi chùa, tháp, tự viện do quá trình tu bổ, tôn tạo và xây mới, ảnh hưởng đến hình ảnh kiến trúc Phật giáo. Nhiều di tích kiến trúc Phật giáo trong quá trình tu bổ, phục hồi, tôn tạo có những sai lệch, chưa đáp ứng tốt yêu cầu, đôi khi còn đi ngược truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

Trên cơ sở khảo sát cũng như từ quá trình nghiên cứu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Chu Văn Tuấn chỉ ra rằng, kiến trúc Phật giáo Việt Nam đang thiếu quy hoạch tổng thể; sự tích hợp các yếu tố cũ - mới chưa hài hòa, chưa phù hợp; phong cách kiến trúc không đồng nhất.

Chưa có sự hài hòa về trang trí, ánh sáng. Nhiều công trình, tự viện chưa làm tốt việc bảo tồn, gìn giữ di sản kiến trúc Phật giáo. Việc trùng tu công trình kiến trúc cổ không đúng quy định của Luật Di sản văn hóa... 

Theo PGS.TS Chu Văn Tuấn, nguyên nhân của thực trạng trên trước hết là do nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ làm công tác tôn giáo, quản lý văn hóa và một bộ phận Tăng, Ni về kiến trúc Phật giáo, về giữ gìn, bảo tồn những giá trị của kiến trúc Phật giáo, di sản văn hóa Phật giáo chưa đầy đủ. 

Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có quy định, tiêu chuẩn, nguyên tắc liên quan đến xây dựng, trùng tu, phục dựng một số công trình, tự viện Phật giáo. Cũng không có cơ quan nào, cơ chế nào giám sát việc xây dựng, trùng tu các công trình kiến trúc Phật giáo.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhận diện các giá trị cũng như bất cập, hạn chế và sự biến đổi của kiến trúc Phật giáo là cách để các công trình kiến trúc Phật giáo gìn giữ tính truyền thống. Như lời PGS.TS Chu Văn Tuấn: "Kiến trúc Phật giáo hiện nay rất cần có định hướng, nguyên tắc chung để bảo đảm các ngôi chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc, văn hóa Phật giáo truyền thống của dân tộc, có sự tích hợp những yếu tố mới của thời đại". 

Văn hóa

Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Hà Nội năm 1946
Văn hóa - Thể thao

Trước cuộc trường chinh vĩ đại

Ngày 19.12.1946, quân và dân Hà Nội đồng loạt nổ súng, mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc với tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tinh thần ấy đã tiếp thêm động lực cho nhân dân Thủ đô anh dũng, chiến đấu 60 ngày đêm trước cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc.

Poster phim "Đào, phở và piano"
Văn hóa

Bài cuối: Lãng mạn nhưng kiên cường

26 năm sau "Hà Nội mùa đông 46", năm 2023, đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn thực hiện bộ phim "Đào, phở và piano" từ sự thôi thúc bên trong, từ những câu chuyện kể của thế hệ cha anh đi trước mà ông được lắng nghe, và từ chính những ký ức tuổi thơ của đạo diễn về Hà Nội.