Giữ giá trị riêng có...

- Thứ Hai, 19/10/2020, 23:15 - Chia sẻ
Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, trong đó nhấn mạnh sẽ quy hoạch lại hệ thống nhà kính, nhà lưới, gắn với phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường nhằm góp phần tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn không khí mát mẻ, trong lành để thực hiện mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế động lực, song hành phát triển với cùng ngành sản xuất rau, hoa.

Đây là chủ trương hoàn toàn đúng bởi theo số liệu của riêng UBND thành phố Đà Lạt, hiện có hơn 2.550ha nhà kính/10.500ha đất sản xuất nông nghiệp của địa phương địa phương. Nhà kính được dựng cả ở khu vực thuộc nội thành Đà Lạt, có nơi tỷ lệ diện tích nhà kính/diện tích canh tác chiếm tới 83,7%... Ở khía cạnh tích cực, các giải pháp công nghệ, trong đó có nhà kính giúp nông dân đạt doanh thu cao, từ 1 - 3 tỷ đồng/ha/năm. Thế nhưng ở khía cạnh khác, nhà kính đang lấn chiếm đất rừng, gây ra những hệ lụy như lũ lụt, không khí nóng lên và ảnh hưởng xấu đến cảnh quan.

Vậy nhưng không phải ai cũng nhìn ra được vấn đề nên cách đây vài năm một số người dân ở Đà Lạt đã dỡ bỏ nhà kính trồng hoa, rau... để trở về với phương pháp canh tác hữu cơ truyền thống đã bị coi là lập dị. Lập dị là bởi hiện nay tuyệt đại đa số diện tích trồng hoa, rau... tại Đà Lạt đều sử dụng hình thức này và phổ biến đến mức hàng đêm, đèn thắp sáng ở các nhà kính đã trở thành "sản phẩm du lịch không chính thức". Vì vậy, khi người dân dám từ bỏ cái đa số để trở về cái thiểu số, dĩ nhiên bị coi là lập dị. Như tâm sự của người dân Đà Lạt tiên phong phá bỏ nhà kính cách đây chừng 1 năm là tôi không muốn người khác canh tác theo kiểu hóa học nữa. Mỗi lần họ phun thuốc thì nhà xung quanh phải đóng toàn bộ cửa. Nhà kính như cái lồng đầy thuốc độc. Nhiều người bị bệnh tật nhưng cố né tránh nguyên nhân có thể là vì tiếp xúc lâu ngày với đủ loại hóa chất trong nhà kính mà họ làm việc mỗi ngày...

Nhưng cũng có người, dù "cảm nhận" được sự độc hại phải đối mặt mỗi ngày nhưng không đủ dũng cảm để dỡ bỏ nhà kính bởi hoặc đã quen, hoặc là các sản phẩm làm ra phải to đẹp, không trồng trong nhà kính thì không đủ chuẩn, không bán được... Lý do có thể là vậy. Nhưng cũng có thể còn lý do khác như hiện chưa có quy định cụ thể về quy hoạch nhà kính; là vẫn còn tư duy, cách nghĩ nhà màng, nhà kính là "điển hình" của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dẫn đến xây dựng nhà kính mang tính phong trào, đại trà. Hệ quả tất yếu là phá vỡ cảnh quan, làm tăng hiệu ứng nhà kính. Và thực tế, Đà Lạt đang nóng lên, đã có lúc nhiệt độ cao nhất lên tới hơn 30 độ C mà một trong những nguyên nhân được cho là do phát triển “nóng” các nhà kính.

Sản xuất, kinh doanh tất nhiên phải có lợi nhuận. Thế nhưng không nên vì lợi nhuận, vì chiều theo thị hiếu, thị trường mà đánh đổi môi trường. Đà Lạt từng là thành phố mộng mơ, thành phố xanh nhưng đáng tiếc, Đà Lạt đang mất dần các giá trị truyền thống. Vậy nên việc Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh sẽ quy hoạch lại hệ thống nhà kính, nhà lưới, gắn với phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường là cần thiết để giữ những giá trị riêng có.

Ninh Khương