Giữ điệu quê giữa phố

Hoài Nam 01/06/2009 00:00

Thời buổi hiện nay, ít ai còn chịu lấy xe đạp làm phương tiện đi lại hàng ngày. Người chịu đi xe đạp mà đã từng “Tây học” lại càng hiếm. Vậy mà vẫn có đấy, giữa thủ đô Hà Nội: Gs.Ts Phạm Minh Khang, nguyên Trưởng khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy của Học viện âm nhạc Quốc gia.

05-Giu dieu-15209-180.jpg

Gs.Ts Phạm Minh Khang là người được đào tạo bài bản về âm nhạc. Ông bảo vệ học vị tiến sỹ tại Nhạc viện Tchaikovsky danh tiếng ở Nga. Về nước, ông giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội cho đến lúc nghỉ hưu. Ngoài ra, ông còn là người sáng tác âm nhạc, cả ca khúc và khí nhạc. Nhưng có lẽ với Phạm Minh Khang, say mê nhất, tâm huyết nhất, chính là việc nghiên cứu âm nhạc truyền thống, đặc biệt là các loại hình âm nhạc dân gian. Ông nhận thức sâu sắc rằng “cái dân gian” chính là yếu tố nền để làm nên “cái dân tộc”, và vì thế đã bỏ nhiều tâm sức, thời gian để đi vào con đường này. Ông đã cho công bố khá nhiều bài viết có chất lượng về âm nhạc dân gian trên các tạp chí nghiên cứu, như “Văn hóa dân gian”, “Văn hóa nghệ thuật”... Có làm thì mới biết: ở đâu người ta cũng nói đến “đậm đà bản sắc dân tộc”, như một câu đầu miệng. Thế nhưng người ta lại chẳng mấy để tâm đến sự sống chết của văn hóa dân gian - trong đó có âm nhạc dân gian. Quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa khiến cho âm nhạc dân gian mất đi không gian xã hội và bầu khí quyển văn hóa quen thuộc của nó, đã đành một nhẽ. Nhưng điều chủ yếu là bản thân con người ngày hôm nay không nhận thức được, hoặc nhận thức không đúng giá trị của âm nhạc dân gian. Họ bỏ mặc nó để chạy theo hớt váng những giá trị nghệ thuật âm nhạc đại chúng hiện đại; hoặc biến nó thành những thứ khác hẳn với cái gốc ban đầu, thành những sản phẩm lai căng kệch cỡm, cốt để phục vụ cho cái sở thích tìm về “dân tộc tính” mang đầy vẻ trưởng giả học làm sang.

Vì thế mà ông cùng một vài anh em bạn bè thành lập Trung tâm Phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, năm 2005. Một trong những chức năng chính của Trung tâm là truyền dạy các loại hình âm nhạc dân gian: ai muốn học hát xẩm, hát trống quân, hát văn, hát quan họ... cứ đến đình Hào Nam đăng ký, muốn học buổi nào trong ngày cũng được, miễn phí. Không ngờ bà con – gồm đủ cả nam, nữ, già, trẻ, đủ ngành nghề – nô nức kéo đến. Họ thu xếp những bận bịu mưu sinh để dành thời gian đi học hát, rất hồ hởi, rất say mê. Từ đó mới có cái cảnh các lớp học hát ngày nào cũng “hội diễn văn nghệ dân gian” trên sân đình Hào Nam. Xin khẳng định, đó là cảnh không thể thấy ở bất kỳ một đình đền, miếu mạo, chùa chiền nào khác trong cả nước!

05-Giu dieu-15209-300.jpg

 “Chuyện cái nơi trú chân đến là khổ. Nay chỗ này mai chỗ khác, ở chưa ấm chỗ thì chủ đã đòi tăng tiền thuê nhà, khách kham không nổi, lại đi. Trong một lần chuyển đồ đi tìm chỗ ở mới, tiện đường ghé vào đình Hào Nam. Chỉ là vào hú họa để xem có gửi nhờ đồ đạc được hay không mà thôi, ai ngờ các cụ trông đình biết là anh em nghệ sỹ, mà lại còn rõ cả việc anh em biết nghề hát văn dâng Thánh, liền mời ở lại luôn. Để cùng với các cụ giữ đình, mà khi nào đình có việc thì anh em hộ cho phần đàn hát”. Phạm Minh Khang nhớ lại về cái duyên mà Trung tâm của ông được ngụ trong đình Hào Nam (phố Vũ Thạnh, Hà Nội). Trung tâm vốn là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động không có một đồng tài trợ của nhà nước hay của một vị Mạnh Thường Quân nào mà chỉ nhờ vào những hợp đồng biểu diễn ở nơi này nơi khác.

Một chức năng chủ yếu khác của Trung tâm mà ông Phạm Minh Khang hướng tới, là phổ biến âm nhạc dân gian. Bốn năm nay, cứ vào tối thứ bảy hàng tuần, chiếu xẩm của Trung tâm ở trước cửa chợ Đồng Xuân lại làm thành một nét quen thuộc trong sinh hoạt của chợ đêm phố cổ. Bà con đến xem đông như hội, vòng trong vòng ngoài kín đặc người. Những là xẩm Thập ân, Lỡ bước sang ngang, Trăng sáng vườn chè, Tiễn anh khóa xuống tàu... vang lên trên cái nền cảnh bốn xung quanh kẻ mua người bán ồn ã, không khí thơm nức mùi xúc xích Đức Việt và mùi thịt nướng của món bánh mỳ Donner Kebap, nhưng người xem thì im phăng phắc, để rồi khi tiết mục chấm dứt là tiếng vỗ tay rào rào nổi lên! NSƯT Thanh Ngoan vốn thành danh nhờ diễn chèo, nhưng giờ đây lại được công chúng biết đến nhiều hơn vì tham gia hát xẩm ở chợ Đồng Xuân. NSƯT Nguyễn Văn Ty hay NSND Xuân Hoạch cũng vậy. Người của Trung tâm cả. Họ tham gia Trung tâm, phần vì nể trọng ông Phạm Minh Khang, phần vì thực tâm cũng muốn mang cái loại hình âm nhạc dân gian dân tộc độc đáo này đến với công chúng đô thị, đưa nó ra khỏi sự bào mòn của dòng chảy thời gian. Ngoài ra, và đây là điều khá đặc biệt cần phải được nhắc tới, các diễn viên khác của chiếu xẩm chợ Đồng Xuân đều là những nhân viên hành chính của Trung tâm: cô đánh máy, cô kế toán, cô thủ quỹ... ai cũng học hát, biết hát và khi hát thì rất say sưa!

Gs.Ts Phạm Minh Khang còn là một diễn giả có hạng về âm nhạc dân gian. Suy nghĩ rằng tình yêu lâu bền bắt rễ từ sự hiểu biết, rằng công chúng chỉ có thể thực sự yêu âm nhạc dân gian khi hiểu nó một cách “hoàn toàn”, ông đã không tiếc thời gian để đến với sinh viên các trường đại học, diễn giảng, nói chuyện với họ. Quả thực là bất ngờ: ngoài đời, nói năng rụt rè và thi thoảng hơi lắp bắp, ông không cho người đối thoại cái cảm giác về một người lợi khẩu; thế nhưng khi diễn thuyết trước đám đông ông trở nên khác hẳn, hoạt bát, tự tin, hùng hồn, khúc chiết. Ông nói về âm nhạc dân gian say mê như thể đang phanh mở cật ruột của mình với người nghe. Ông từng tâm sự: “Đừng vội trách giới trẻ rằng họ chỉ biết chạy theo những Rock, những Rap, những Hip-hop mà không biết đến âm nhạc dân gian, dân tộc. Hãy đặt câu hỏi: ai mang âm nhạc dân tộc đến cho họ, ai diễn giải cho họ hiểu về âm nhạc dân gian, dân tộc?”.

Trước câu hỏi ấy, suy cho cùng, trách nhiệm chính trong việc trả lời không phải là những người làm chuyên môn như ông. Thế nhưng, ngày lại ngày, người ta vẫn thấy một người đàn ông ngoại lục tuần, người thấp đậm, đeo xắc cốt, cặm cụi đạp xe đạp, hoặc vào đình Hào Nam, hoặc đến chợ Đồng Xuân, hoặc tới các trường đại học. Gs.Ts Phạm Minh Khang đang cần mẫn làm công việc của người giữ điệu quê giữa lòng phố đấy!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giữ điệu quê giữa phố
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO