Giữ “chữ tín” trước cử tri

- Thứ Năm, 02/09/2021, 05:58 - Chia sẻ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội, không phải để làm quan, không phải để ăn trên ngồi trốc, mà làm người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”. Đại biểu HĐND cũng vậy, “cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người”, phải luôn trăn trở với những vấn đề dân sinh; tâm niệm và phấn đấu để biến lời hứa của mình trước cử tri bằng hành động thiết thực...
Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận thăm, tặng quà các hộ dân khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 tại huyện Thuận Bắc
Ảnh: Diễm My

Nhớ câu chuyện về Bác

Những ngày mùa thu Cách mạng tháng Tám, nhớ về Người - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc với những câu chuyện đời thường nhưng vô cùng ý nghĩa. Chuyện kể rằng: Hồi ở Pác Pó, Bác Hồ sống rất chan hòa với mọi người. Một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác chạy đến cầm tay Bác, thưa: “Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé!”, Bác cúi xuống nhìn em bé âu yếm, xoa đầu em khẽ nói: “Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn, khi nào Bác về Bác sẽ mua tặng cháu”. Nói xong Bác vẫy chào mọi người ra đi. Hơn hai năm sau Bác quay trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác. Ai cũng vui mừng xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không một ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng Bác mở túi lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh trao tận tay em bé - bây giờ đã là một cô bé. Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt. Bác nói: “Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là "chữ tín". Chúng ta cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người”.

Ngày 16 - 17.8.1945, Đại hội Quốc dân họp tại đình Tân Trào đã bầu ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, trước bàn thờ Tổ quốc và hòn đá thề cửa đình Tân Trào, thắp nén hương thay mặt Ủy ban, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ: "Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của Nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo Nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc, dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước... Xin thề!”.

Người đã thực hiện lời hứa trước một đứa trẻ dù không còn ai nhớ đến chuyện năm xưa; Người đã thực hiện lời hứa trước một dân tộc: Lãnh đạo cuộc cách mạng của Nhân dân ta giành thắng lợi, xóa bỏ hàng nghìn năm chế độ quân chủ chuyên chế. Để từ đó, ngày 2.9.1945 trở thành ngày trọng đại trong lịch sử dân tộc - ngày khai sinh của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhớ đến câu chuyện về Bác để suy ngẫm đến việc thực hiện lời hứa của cán bộ nhà nước, của người đại biểu dân cử trước cử tri.

Không thể là lời hứa suông

Diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt khi làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ và ủng hộ, đồng thuận lớn của cử tri, Nhân dân, cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thành công tốt đẹp trên nhiều phương diện. Thành công của cuộc bầu cử cho thấy “sức mạnh trùng trùng, điệp điệp” của Nhân dân, trên hết cả là kỳ vọng gần 500 ĐBQH Khóa XV và hơn 266.000 đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 phát huy vai trò, trách nhiệm trong suốt nhiệm kỳ để giữ trọn niềm tin với cử tri và Nhân dân.

Nhớ lại tại các cuộc TXCT vận động bầu cử, trình bày trước cử tri về Chương trình hành động - những lời hứa người ứng cử sẽ thực hiện nếu được tín nhiệm, một công cụ hữu hiệu giúp cử tri nhận ra “bản sắc” và thuyết phục cử tri ủng hộ, bỏ phiếu cho ứng cử viên, tùy theo lĩnh vực công tác và năng lực chuyên môn, mỗi ứng cử viên ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đều có những cam kết cụ thể. Đặc biệt, có một điều mà đại biểu nào cũng hứa, đó là: “liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên TXCT, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Chỉ một điều như vậy mà không phải ai cũng làm được, vì đại biểu đa số hoạt động kiêm nhiệm nên còn phải dành thời gian cho công việc chuyên môn. Trong khi đó, còn thiếu những cơ chế rõ ràng và hữu hiệu kiểm tra hay ràng buộc việc thực hiện trách nhiệm của đại biểu dân cử.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, bên cạnh linh hoạt kết hợp phương thức trực tiếp và trực tuyến để tổ chức cho các ứng cử viên TXCT vận động bầu cử, chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhất là cấp tỉnh đã được đăng tải công khai trên các trang thông tin, tuyên truyền của địa phương. Vì vậy, rất dễ dàng để cử tri lưu lại, để một lúc nào đó trong nhiệm kỳ, chất vấn đại biểu mình đã tín nhiệm rằng: “đại biểu đã làm gì để thực hiện lời hứa của mình khi vận động bầu cử?”. Vì vậy, lời hứa của đại biểu dân cử không thể là lời hứa suông, vì trong suốt nhiệm kỳ, cử tri sẽ theo sát, giám sát việc thực hiện lời hứa đó để đánh giá đại biểu có xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân hay không, rằng “đại biểu, anh còn nhớ hay anh đã quên?”. Và khi đại biểu chỉ hứa mà không làm, là khi đại biểu chưa quan tâm giữ gìn "chữ tín" trước những cử tri đã bầu ra mình.

Hành động thiết thực

Thực tế, giữa bộn bề cuộc sống, có rất nhiều vấn đề dân sinh đặt ra cần được giải quyết - có vấn đề đã được tiếp thu, trả lời và giải quyết thấu đáo; có vấn đề việc giải quyết còn chậm và kéo dài, kết quả giải quyết chưa rõ ràng, chưa thỏa mãn được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri; cũng có vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần, nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm… Có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng điều quan trọng nhất cử tri và Nhân dân quan tâm lại là: Những vấn đề dân sinh sẽ được giải quyết khi nào, như thế nào và cơ quan, cán bộ nhà nước, đại biểu dân cử thực hiện lời hứa của mình ra làm sao?

Khắc phục tình trạng những ý kiến, kiến nghị chính đáng, cấp thiết của cử tri chưa được trả lời, giải quyết thỏa đáng, thậm chí bị bỏ trôi vào quên lãng, kéo dài, pháp luật đã trao cho HĐND công cụ pháp lý quan trọng nhằm giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri. Nhất là quy định: Báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri phải được Ban của HĐND thẩm tra; Thường trực HĐND báo cáo HĐND về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri ở địa phương đã được gửi đến HĐND tại kỳ họp trước và trình dự thảo nghị quyết để HĐND xem xét thông qua.

Những quy định hết sức cụ thể như vậy đã được HĐND nhiều địa phương, nhất là HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 triển khai thực hiện hiệu quả, qua đó rất nhiều những kiến nghị chính đáng, cấp thiết của cử tri đã được xem xét, giải quyết kịp thời. Mới đây nhất, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực, quyết liệt các biện pháp phòng chống làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến ngày càng phức tạp khó lường, chuẩn bị cho kỳ họp thường kỳ đầu tiên của nhiệm kỳ 2021 - 2026, Thường trực HĐND nhiều tỉnh, thành phố đã tiếp tục giám sát để tăng cường đôn đốc, yêu cầu dứt khoát hơn đối với việc giải quyết những kiến nghị cấp thiết, chính đáng, nhất là những nội dung tồn đọng qua nhiều kỳ họp nhiệm kỳ trước.

Cùng với đó, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, của nền kinh tế số, từ thôi thúc của trái tim, có rất nhiều phương thức hiện đại hữu hiệu để đại biểu tăng cường, thắt chặt hơn mối liên hệ “máu thịt” với cử tri và Nhân dân.

Biết trăn trở, thao thức trước những vấn đề dân sinh - đó cũng là cách để đại biểu dân cử giữ gìn “chữ tín” của mình, thôi thúc đại biểu đi tìm phương cách hữu hiệu nhất thực hiện lời hứa của mình trước cử tri.

PHƯƠNG NHUNG